Bộ trưởng Tư pháp Brazil Sergio Moro tuyên bố từ chức ngày 24-4 đã đẩy Chính phủ Brazil vào cơn rối ren chính trị giữa lúc đất nước đang căng mình trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Sự ra đi của ông Moro đã giáng thêm một tổn thất chính trị cho Tổng thống Jair Bolsonaro, khiến khả năng luận tội ông càng cao thêm.
“Tôi phải bảo vệ lịch sử bản thân mình và trên hết là sự cam kết tôi đã đi theo, đó là đứng vững trong cuộc chiến chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và bạo lực” - Moro nói sau khi tuyên bố từ chức.
Những người am hiểu giải thích rằng việc từ chức của ông Moro xuất phát từ những xích mích gần đây với Tổng thống Bolsonaro. Cụ thể là, ông Moro từ chức để phản đối quyết định của Tổng thống Bolsonaro cách chức Cảnh sát trưởng liên bang Mauricio Valeixo, vốn là một người bạn thân và là đồng minh quan trọng của mình.
Khi có thông tin về việc sa thải Valeixo hôm 23-4, báo chí Brazil đã đặt câu hỏi: Tại sao ông Bolsonaro lại làm thế? Và câu trả lời được báo Correio Braziliense phân tích như sau: Sự bực tức của ông Bolsonaro xuất phát từ việc cảnh sát liên bang do Valeixo lãnh đạo đã mở cuộc điều tra về việc kẻ nào đã phao tin giả và tổ chức các cuộc biểu tình phản dân chủ liên quan đến các giải pháp chống dịch COVID-19 ở Brazil trong nhiều ngày qua, cuộc điều tra này đang siết vòng vây quanh Carlos Bolsonaro, con trai Tổng thống Bolsonaro.
Phát biểu trên truyền hình sau khi tuyên bố từ chức, ông Moro cho rằng Tổng thống Bolsonaro sa thải Valeixo vì muốn đưa người thân tín của ông vào vị trí Cảnh sát trưởng liên bang nhằm tiện bề tiếp cận các thông tin bí mật của cuộc điều tra.
Cựu Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta.
Giới phân tích cho rằng còn một số yếu tố khác cũng góp phần làm cho ông Moro phải dứt áo ra đi, trong đó có việc ông đã quá bất mãn với cách Tổng thống Bolsonaro ứng phó phản khoa học với đại dịch. Ông Moro đã cùng với một nhóm bộ trưởng nội các Brazil, trong đó có Bộ trưởng Y tế vừa bị cách chức Luiz Henrique Mandetta, vận động Tổng thống Bolsonaro nhìn nhận một cách nghiêm túc đại dịch COVID-19 và có cách ứng phó trên cơ sở khoa học nhưng đã không thành công.
Tính đến ngày 27-4, Brazil ghi nhận đến hơn 66.000 ca nhiễm và hơn 4.500 người tử vong vì COVID-19. Các chuyên gia cảnh báo, sự bùng phát mạnh các ca nhiễm mới đang đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế Brazil, như đã xảy ra tại nhiều nước phát triển. Thế nhưng Tổng thống Bolsonaro vẫn khăng khăng tiếp tục xem như “chuyện bình thường”.
Áp lực chính trị đang ngày càng đè nặng lên Tổng thống Bolsonaro khi ông liên tiếp có những hành xử sai lầm trong ứng phó đại dịch. Đầu tiên là việc lên tiếng chỉ trích các thống đốc bang đưa ra các biện pháp cách ly xã hội để phòng chống đại dịch lây lan; tiếp đến là việc ông xuống phố tham gia cùng đám đông biểu tình chống giãn cách xã hội của một bộ phận những người thiếu ý thức. Những hành động và phát biểu đó đã tạo ra một làn sóng biểu tình mới lạ trong dân chúng Brazil: họ đứng ở ban công, cửa sổ nhà mình gõ, đập xoong, nồi, chảo la ó phản đối.
Nghiêm trọng nhất có lẽ là việc Tổng thống Bolsonaro ra quyết định cách chức Bộ trưởng Y tế Mandetta hôm 16-4. Trong khi lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đang quyết liệt hợp sức tìm cách ngăn chặn đại dịch bùng phát và lan rộng thì ông Bolsonaro lại làm những việc trái ngược, tìm cách phá hỏng những giải pháp hợp tác giữa các nước. Những hành động phản khoa học, đi ngược lại với thế giới của Tổng thống khiến Bộ trưởng Mandetta không thể không lên tiếng cảnh báo, dẫn đến một cuộc tranh cãi giữa hai người.
Bộ trưởng Mandetta rất được dân chúng Brazil yêu mến do sự tận tình của ông trong cuộc chiến chống COVID-19 nên việc cách chức ông đã gây ra phản ứng dữ dội trong dân chúng, tạo thêm làn sóng biểu tình “xoong, nồi, chảo” thứ hai. Sau vụ từ chức của Bộ trưởng Moro, lại thêm một làn sóng biểu tình “xoong, nồi, chảo” thứ ba rầm rộ khắp Brazil.
Năm nay 47 tuổi, ông Moro là một trong những bộ trưởng có địa vị quan trọng nhất trong nội các chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro. Ông nổi danh ở Brazil trong vài năm gần đây khi dẫn đầu cuộc điều tra chống tham nhũng nổi tiếng mang tên Chiến dịch Lava Jato (Rửa xe). Ông được xem là có công lao rất lớn trong việc giành lấy quyền lực của ông Bolsonaro.
Những hồ sơ, tài liệu được báo chí công khai vào năm 2019 đã từng gây dư luận phẫn nộ và đòi ông từ chức với các tiết lộ rằng ông Moro đã có những hành động không đúng chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật trong điều tra tham nhũng, đặc biệt là ông bị cáo buộc là đã cố tình làm sai lệch hồ sơ điều tra liên quan đến cáo buộc tham nhũng của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva, dẫn đến việc ông Lula Da Silva bị ngồi tù oan vào năm 2018, ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Brazil.
Sự vắng mặt của ông Lula Da Silva đã giúp ông Bolsonaro dễ dàng giành chiến thắng, trở thành Tổng thống Brazil. Bolsonaro đã “trả công” cho ông Moro bằng cách giao cho nắm giữ chức Bộ trưởng Tư pháp đầy quyền lực.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm “chung sống”, hàng loạt sai lầm của Tổng thống Bolsonaro và những bê bối liên quan người thân tín, gia đình ông khiến Bộ trưởng Moro ngày càng cảm thấy mình không thể tiếp tục phục vụ trong chính phủ của một người vừa tỏ ra độc tài, lại vừa có tư duy trái ngược với thế giới, gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mình mà cả đất nước mình.
Giới phân tích cho rằng, thời gian vài tháng tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với sinh mệnh chính trị của Tổng thống Bolsonaro. Sự ra đi của ông Moro có ý nghĩa như thêm một mất mát chính trị to lớn, làm suy yếu rõ rệt vị thế của Tổng thống Bolsonaro. Không chỉ dân chúng mà trong giới chính khách đối lập nhiều tiếng nói kêu gọi ông từ chức.
Ngày 24-4, sau khi ông Moro từ chức, Tổng công tố Brazil Augusto Aras đã yêu cầu Tòa án Tối cao cho phép mở cuộc điều tra trên cơ sở cáo buộc của ông Moro và những vấn đề khác. Nếu bị luận tội, rất có thể ông Bolsonaro bị phế truất với tội danh tương tự như cựu Tổng thống Dilma Rousseff.
Theo CAND