Trong những ngày này, hầu hết người dân Brazil đều chăm chú theo dõi phiên tòa xử nhóm viên chức cao cấp dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva, bị buộc tội liên quan đến việc đưa hối lộ cho các thành viên Quốc hội nhằm có được sự hậu thuẫn từ nghị trường. Tuy lịch trình xét xử của Tòa án Tối cao Brazil ghi đơn giản là vụ án mang bí số 470, nhưng dư luận chung đều gọi đây là "vụ án của thế kỷ" bởi quy mô bao trùm cả Dinh Tổng thống lẫn trụ sở Nghị viện ở thủ đô Brazil.
Dân biểu kỳ cựu R.Jefferson bóc trần hành vi tham nhũng có hệ thống trong Quốc hội Brazil.Phiên tòa khởi sự từ cuối tháng 8 vừa qua nhằm xét xử vụ scandal "Mensalao" (một từ biến thể trong tiếng Bồ Đào Nha của từ "mensalidade", có nghĩa là “khoản thanh toán lớn hàng tháng”), do thẩm phán kỳ cựu Carlos Ayres Britto ngồi ghế chánh án cùng điều hành phiên tòa với 10 thẩm phán cao cấp khác thuộc Hội đồng xử án.
Đứng trước vành móng ngựa là 37 cựu viên chức cấp cao thuộc chính phủ và các tổng công ty nhà nước, bị truy tố tới 1.089 tội danh khác nhau như tham nhũng, đưa hối lộ, tẩy rửa tiền, lạm dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng, biển thủ công quỹ, mua bán phiếu bầu… trong giai đoạn từ năm 2002-2005.
Bị can nổi tiếng nhất là cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Jose Dirceu 66 tuổi, người bị Tổng chưởng lý Brazil Roberto Gurgel đánh giá là "kẻ cầm đầu mạng lưới tội phạm tinh vi hết sức phức tạp". Chính nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hiện nay từng là người kế nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Tổng thống của J. Dircau, sau khi đương sự bị bãi nhiệm vì dính líu đến vụ Mensalao.
Mọi chuyện khởi sự trong năm 2005, khi một viên chức quản lý thuộc Công ty Bưu chính quốc gia Correios bị bắt quả tang khi đang nhận số tiền tương đương 1.500 USD, hòng giúp kẻ đưa hối lộ trúng thầu các công trình của chính phủ. Nhân vật nhận hối lộ đồng thời là một thành viên cao cấp của Công đảng Brazil (PTB), khiến báo giới lan truyền nguồn tin rằng PTB chủ trương tham nhũng có hệ thống.
Cựu Chánh văn phòng J.Dirceu trước vành móng ngựa. Tức thì vào ngày 6-6 cùng năm, thủ lĩnh PTB kiêm dân biểu kỳ cựu Roberto Jefferson liền lên tiếng "phản đòn" trên tờ nhật báo Folha de S.Paulo phát hành tại Sao Paulo, đô thị lớn nhất Brazil tố cáo đảng Lao động (PT) đương quyền đã lấy tiền ngân sách chi trả đều đặn hàng tháng cho mỗi nghị sĩ 30.000 reais, tương đương 12.000 USD; đổi lại sẽ nhận được các lá phiếu ủng hộ đối với bất kỳ kế hoạch nào mà chính phủ trình ra trước Quốc hội.
Tuy ứng viên Lula da Silva của PT trúng cử Tổng thống vào đầu năm 2003, nhưng trong thành phần Nghị viện Brazil chính đảng này vẫn chiếm thiểu số nên các quyết sách của Chính phủ Brazil đều vấp phải trở ngại từ phía Quốc hội. Cụ thể hơn, R. Jefferson còn nêu rõ "quỹ trợ cấp dân biểu" nói trên hình thành từ ngân sách quảng cáo của các công ty nhà nước, rồi được chuyển ngân qua một hãng tư nhân do Marcos Valerio, 44 tuổi làm chủ sở hữu. Hệ quả mở rộng từ vụ scandal Mensalao đã khiến một loạt quan chức cao cấp thuộc PT, trong đó có 2 bộ trưởng buộc phải từ nhiệm.
Sau 7 năm dày công điều tra, hồ sơ "vụ án thế kỷ" dày hơn 50.000 trang đã được thiết lập, bao gồm cả lời khai của gần 600 nhân chứng. Phiên tòa xét xử 37 viên chức cao cấp được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ. Kết quả điều tra khẳng định: PT đã chi phi pháp 35 triệu USD hòng nhận được sự "lại quả" từ giới nghị sĩ thuộc các đảng phái khác, còn theo giới truyền thông Brazil thì số tiền "rút ruột ngân sách" cho mục đích hối lộ của PT phải lên tới 101 triệu USD, kể cả khoản tiền không nhỏ trang trải cho các chính trị gia tham gia "móc nối" trong vụ scandal Mensalao.
Theo đề nghị từ Viện Công tố Tối cao, nhóm cựu viên chức biến chất sẽ lĩnh mức án tổng cộng hàng trăm năm tù; riêng "thủ lĩnh" J. Dirceu có thể đối mặt với bản án tối đa là 45 năm tù giam tương tự mức án chung thân. "Đây là một thời điểm rất quan trọng đối với hệ thống tư pháp Brazil", ông Carlos Pereira, nhà bình luận chính trị thuộc quỹ mang tên cố Tổng thống Getulio Vargas, có trụ sở tại thành phố Rio De Janeiro nhận định. Đồng thời C. Pereira cũng lý giải, rằng "Nếu phán quyết nương tay với hành vi tham nhũng sẽ làm gia tăng ấn tượng là kẻ có chức quyền sẽ được miễn hình phạt, trong khi nhà tù chỉ dành cho người dân thấp cổ bé họng".
Còn nhà phân tích nổi tiếng người Brazil Joao de Castor Nevs, chuyên với các vấn đề của châu Mỹ Latinh thuộc Công ty tư vấn Eurasia ở New York (Mỹ), lên tiếng trên tờ The New York Times: "Mensalao là một từ cửa miệng hiện nay tại Brazil, trong một đất nước mà các chính trị gia có thể gây án mạng mà không bị bắt giam, thì bản thân vụ án này là một tín hiệu tích cực. Tuy vậy bản án nghiêm minh có thể làm biến đổi bức tranh chính trị ở đất nước này, góp phần vực dậy uy tín cho đảng PT đương quyền của Tổng thống D. Rousseff".
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kết thúc vào cuối tháng 9 này, 18 dân biểu liên quan đến vụ scandal Mensalao không bị truy tố nhờ vào đặc quyền miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khi đang tại nhiệm, dựa theo quy chế đặc biệt của ngành lập pháp Brazil
Theo CAND