Bức tranh toàn cảnh về Chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện

Cập nhật: 25-12-2017 | 08:50:55

Năm 2016 là năm thứ 3 tỉnh Bình Dương triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong quá trình triển khai đã có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. C ác bảng chấm điểm, tài liệu kiểm chứng được thống kê, kiểm tra chặt chẽ hơn, nhờ vậy việc phân tích, đánh giá và tổ ng hợp kết quả nhanh chóng, chính xác hơn. Trong số báo hôm nay, Báo Bình Dương xin giới thiệu toàn cảnh về kết quả Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Cán bộ “một cửa” Sở Khoa học và Công nghệ (sở dẫn đầu 3 năm liên tiếp về Chỉ số CCHC) niềm nở tiếp người dân đến làm TTHC tại Trung tâm Hành chính công. Ảnh: H.VĂN

 Quá trình triển khai

Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn đã được đánh giá liên tục 3 năm theo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011- 2020 của Chính phủ. Năm 2016, Hội đồng đánh giá chỉ số CCHC đã kịp thời bổ sung đánh giá 9 nội dung mới để phù hợp quy định của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh, bao gồm: Xây dựng và thực hiện chính quyền thân thiện; công khai thủ tục hành chính (TTHC); xây dựng và thực hiện Đề án tinh giản biên chế; mô tả khung năng lực theo Đề án vị trí việc làm; số lượng, cơ cấu các phòng ban chuyên môn; số lượng, cơ cấu cấp phó theo quy định; bảo đảm tiêu chuẩn trong bổ nhiệm theo Quyết định 27/2013/QĐ- UBND của UBND tỉnh; triển khai, sử dụng các phần mềm tin học hóa trong hoạt động; dịch vụ công mức độ 2, 3, 4 và việc thực hiện thư cảm ơn, thư xin lỗi… trong thực hiện TTHC trên địa bàn tỉnh.

Chỉ số CCHC được đánh giá ở 20 sở, ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh; 9 UBND huyện, thị, thành phố và 91 UBND xã, phường, thị trấn theo thang điểm 100, tương ứng với 8 nội dung chính của công tác CCHC bao gồm điểm tự đánh giá và điểm điều tra xã hội học (ĐTXHH). Căn cứ Kế hoạch số 818, Quyết định số 1900 của UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá Chỉ số CCHC, các thành viên Hội đồng thẩm định và Tổ thẩm định gồm lãnh đạo và công chức các sở, ngành: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông. Trên cơ sở tổng hợp kết quả thẩm định tự đánh giá, chấm điểm của các cơ quan, địa phương và kết quả ĐTXHH, Tổ thư ký tiến hành phân tích, tổng hợp kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2016 của các sở, ban, ngành; huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua ngày 5-10-2017 và công bố ngày 20-12-2017.

Kết quả Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành

Ở cấp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đạt chỉ số cao nhất với 84,64%. Đứng thứ nhì là Sở Tư pháp đạt 81,34%; thứ ba là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 80,21%; tiếp theo là Sở Nội vụ đạt 77,25%; Sở Tài nguyên và Môi trường đạt 75,76%; Ban Quản lý các KCN đạt 75,33%; Sở Nông nghiệp và PTNT đạt 74,70%; Văn phòng UBND tỉnh đạt 74,66%; Sở Công thương đạt 73,71%; Sở Giao thông - Vận tải đạt 73,62%; Sở Xây dựng đạt 72,51%… Hai sở đạt Chỉ số CCHC xếp cuối bảng là Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt 60,82% và Sở Giáo dục và Đào tạo đạt 52,17%. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng là sở đứng chót bảng 3 năm liền về Chỉ số CCHC được tỉnh công bố.

Theo Hội đồng thẩm định đánh giá Chỉ số CCHC tỉnh, chỉ số trung bình năm 2016 của 20 sở, ban, ngành là 71,51% đạt mức khá, tăng 0,32% so năm 2015. Tuy mức tăng thấp nhưng chất lượng công tác CCHC chất lượng hơn do 9 tiêu chí bổ sung để đánh giá chặt chẽ, sát thực tế tình hình thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong CCHC. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 của các sở, ban, ngành chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất, Chỉ số CCHC ở mức tốt (dưới 90% và trên 80%) gồm 3 cơ quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ dẫn đầu 3 năm liên tiếp và Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng từ loại khá 2015 lên tốt 2016. Nhóm thứ hai, Chỉ số CCHC ở mức khá (dưới 80% và trên 65%) gồm 13 cơ quan. Nhóm thứ ba, Chỉ số CCHC ở mức trung bình (dưới 65% và trên 50%) gồm 4 cơ quan.

TP.Thủ Dầu Một dẫn đầu Chỉ số CCHC năm 2016

Năm 2016, kết quả Chỉ số CCHC của 100% huyện, thị, thành phố đạt kết quả khá và tốt (Chỉ số CCHC trên 65%), Chỉ số CCHC trung bình đạt 76,91% tăng 4,01% so năm 2015 cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Kết quả Chỉ số CCHC của cấp huyện năm 2016, TP.Thủ Dầu Một tiếp tục là địa phương dẫn đầu và 3 năm liên tục đạt kết quả xếp loại tốt, xứng đáng là đô thị trung tâm của tỉnh về CCHC. So với năm 2015, địa phương được xếp loại tốt, tăng 2 địa phương gồm: TX.Thuận An và TX.Tân Uyên. TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng là 2 địa phương dù xếp loại khá nhưng cũng tiệm cận loại tốt và cách nhóm 3 địa phương dẫn đầu chưa tới 1%. Bốn địa phương còn lại cũng được xếp loại khá. Bảy địa phương có kết quả chỉ số CCHC 2016 tăng so với năm 2015, trong đó huyện Bàu Bàng tăng cao nhất (12,72%), huyện Bắc Tân Uyên tăng ít nhất (1,86%).

Hội đồng thẩm định đánh giá Chỉ số CCHC tỉnh cho biết kết quả Chỉ số CCHC 9 địa phương cấp huyện năm 2016 và so sánh kết quả năm 2015, 2014 cho thấy Chỉ số chỉ đạo điều hành có kết quả cao nhất và xếp loại tốt cùng với chỉ số về xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp huyện; 6 chỉ số còn lại đều xếp loại khá. Có 5 tiêu chí tăng điểm gồm: Chỉ đạo, điều hành CCHC, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Tiêu chí thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông giữ nguyên (75,92%) và 2 tiêu chí giảm điểm là cải cách TTHC và xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC-VC dù mức giảm không đáng kể.

Nhìn chung, qua 3 năm đánh giá thì 7 địa phương có kết quả chỉ số CCHC tăng đều qua 3 năm, TP.Thủ Dầu Một có giảm đôi chút so 2015 nhưng nhìn chung vẫn trong xu hướng tốt, đứng đầu trong 9 huyện, thị, thành phố. Riêng TX.Dĩ An năm 2015 cũng tăng so 2014, năm 2016 lại giảm, nhưng vẫn cao hơn 2014. Huyện Bàu Bàng là địa phương có tốc độ tăng điểm, cải thiện chất lượng CCHC cao nhất, kế đó là TX.Bến Cát, TX.Thuận An, TX.Tân Uyên. Riêng huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng và huyện Bắc Tân Uyên dù có những bước tiến nhưng nhìn chung vẫn chậm so xu thế và tình hình đẩy mạnh CCHC trong giai đoạn hiện nay của tỉnh.

Điểm đáng lưu ý là tại thành phố, thị xã và huyện có tốc độ đô thị hóa cao, phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển thì đó cũng là địa phương có chất lượng CCHC cao và kết quả chỉ số CCHC cao. Điều này khẳng định CCHC có tác động qua lại với nhau với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Sự chỉ đạo mạnh mẽ trong CCHC tạo động lực, cơ chế, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng giúp thu hút đầu tư và tạo thuận lợi các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì có nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là về công nghệ thông tin và thu hút nguồn nhân lực… để thực hiện CCHC và đó cũng là một trong những động lực để kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo: Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền về kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và nhận thức của CBCC-VC trong thực hiện nhiệm vụ CCHC và xác định Chỉ số CCHC hàng năm. Trên cơ sở kết quả Chỉ số CCHC năm 2016, các cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị, hội thảo… để phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế và đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao Chỉ số CCHC và tăng cường hiệu quả công tác CCHC của tỉnh.

HỒ VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=626
Quay lên trên