Các nhà quan sát cho rằng việc cuộc họp không thống nhất được một thông cáo chung sẽ cản trở các nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng và thiếu lương thực trên thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Nusa Dua (Indonesia), ngày 15/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc họp kéo dài hai ngày của các Bộ trưởng Tài chính thuộc các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc vào ngày 16/7 tại Indonesia mà không có thông cáo chung, sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chia rẽ diễn đàn toàn cầu này.
Trong các cuộc hội đàm tại hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, các Bộ trưởng Tài chính đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng.
Các thành viên cũng đã thảo luận về vấn đề tài chính bền vững, tiền điện tử và thuế quốc tế. Bà Mulyani cho biết các cuộc đàm phán về thay đổi quy tắc thuế quốc tế đã đạt "tiến bộ" và dự kiến các nước sẽ áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên toàn cầu vào năm 2024.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati, đại diện cho nước Chủ tịch G20 năm 2022 cho biết trong phát biểu kết thúc cuộc họp rằng Indonesia sẽ đưa ra “tuyên bố của Chủ tịch G20” gồm 14 đoạn thay cho một thông cáo chính thức.
Bà cho biết các bên đồng thuận về hầu hết các nội dung, nhưng có hai đoạn tập trung vào sự khác biệt của các thành viên liên quan đến tác động của cuộc chiến tại Ukraine và cách ứng phó của từng nước. Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia, đây là kết quả tốt nhất.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cùng các đồng cấp từ Australia, ông Jim Chalmers và đại diện Canada, bà Chrystia Freeland, cho rằng xung đột Nga-Ukraine gây ra một làn sóng chấn động đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết bà Yellen đã tổ chức các cuộc gặp song phương với những người đồng cấp từ Indonesia, Saudi Arabia, Nam Phi, Australia, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ để vận động các nước ủng hộ chính sách giới hạn giá dầu của Nga.
Các nhà quan sát cho rằng việc cuộc họp không thống nhất được một thông cáo chung sẽ cản trở các nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng và thiếu lương thực trên thế giới.
Ông Eric LeCompte, Giám đốc điều hành của Mạng lưới Jubilee USA - một tổ chức phi chính phủ chuyên vận động hành lang cho vấn đề nợ của các quốc gia đang phát triển nhận định việc các Bộ trưởng Tài chính G20 không có một thông cáo chung đồng nghĩa G20 sẽ khó xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề quan trọng tại cuộc họp vào mùa Thu.
Cũng theo ông LeCompte, sự chia rẽ nội bộ cản trở khả năng G20 hành động quyết đoán cũng như khiến thế giới đối mặt nhiều bất định.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Lương thực Thế giới, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng kêu gọi các nước có hành động trong bốn lĩnh vực.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã tóm tắt lời kêu gọi được đăng trên mạng xã hội Twitter, trong đó kêu gọi hỗ trợ những người dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương, tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất lương thực và đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong tuyên bố kết thúc FMCBG sau hai ngày làm việc, Indonesia cho hay phần lớn các nước thành viên đều cho rằng xu hướng mất an ninh lương thực và năng lượng đang gia tăng ở mức báo động và nhất trí phối hợp hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề này.
Hội nghị FMCBG lần thứ ba diễn ra tại Indonesia từ ngày 15-16/7 với sự tham dự của hơn 400 đại diện đến từ các nước thành viên G20 và các tổ chức quốc tế, với 17 bộ trưởng tài chính và 10 thống đốc ngân hàng trung ương tham dự trực tiếp. Dự kiến cuộc họp tiếp theo của các Bộ trưởng Tài chính G20 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới tại thủ đô Washington (Mỹ)./.
Theo TTXVN/Vietnam+