Những năm qua, thu nhập, nhận thức và chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn trong tỉnh liên tục được cải thiện và nâng cao, nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng cũng ngày càng tăng. Chính vì vậy, các ngân hàng đang nỗ lực khai thác tiềm năng từ thị trường nông thôn.
Nhiều tiềm năng
Trước đây, các điểm giao dịch ngân hàng thường tập trung tại những địa phương có dân cư đông đúc, gần TP.Hồ Chí Minh như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An thì hiện nay, các ngân hàng đang mở rộng điểm giao dịch đến khu vực nông thôn. Ghi nhận cho thấy, hiện nay mạng lưới giao dịch ngân hàng tại các khu vực trung tâm của tỉnh khá dày đặc, điển hình như trên đại lộ Bình Dương có đoạn 4 - 5 chi nhánh ngân hàng nằm gần nhau. Việc có quá nhiều ngân hàng trên một đoạn đường như vậy khiến sự cạnh tranh thu hút khách hàng trở nên gay gắt.
Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch Minh Hòa (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh huyện Dầu Tiếng. Ảnh: HỒNG NGA
3 năm trở lại đây, các ngân hàng đã tích cực mở rộng thị trường nông thôn trong tỉnh để khai thác tốt tiềm năng tại khu vực này. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chi nhánh Bình Dương đã mở Phòng Giao dịch Sacombank Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên. Trong năm qua, phòng giao dịch hoạt động rất khả quan; số lượng giao dịch chuyển tiền, nhận tiền, gửi tiết kiệm, vay vốn kinh doanh tăng trên 10% chỉ sau một năm thành lập.
Đại điện lãnh đạo Sacombank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết tuy mật độ dân cư ở nông thôn chưa nhiều nhưng mức thu nhập, chất lượng sống của người dân được cải thiện nhanh, nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng tăng. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng tại địa phương đang được đầu tư mạnh. Đây là những yếu tố quan trọng để ngân hàng mạnh dạn mở phòng giao dịch tại đây.
Anh Lê Văn Chức, ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, chia sẻ từ khi ngân hàng mở rộng mạng lưới hoạt động về địa phương, nhiều người dân như gia đình anh được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng rất tiện lợi, như gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền. Trong thời gian tới, các dịch vụ này cần được mở rộng để người dân có cơ hội sử dụng các dịch vụ ngân hàng tốt hơn nữa.
Tăng cường các sản phẩm phù hợp
Việc các ngân hàng mở nhiều điểm giao dịch ở khu vực nông thôn phía bắc của tỉnh trong thời gian gần đây đã nhận được sự đồng tình của chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh. Bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn tiếp cận nguồn vốn vay, việc hình thành các điểm giao dịch ngân hàng tại địa bàn nông thôn sẽ góp phần làm giảm sự biến tướng của các hoạt động tín dụng phi chính thức thành tín dụng “đen”. Xu hướng này cũng nằm trong chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng của tổ chức tín dụng (TCTD) và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân vùng nông thôn.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trước đây, các ngân hàng chỉ tập trung mở chi nhánh ở khu vưc đông dân cư nên tạo khoảng trống lớn ở vùng nông thôn. Hiện nay, dân trí cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn trong tỉnh đã được cải thiện nhiều, do vậy tiềm năng để các ngân hàng khai thác khu vực này là rất lớn. Trong những năm gần đây, NHNN có chính sách khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Đây là cơ sở để các TCTD tạo điều kiện, cơ hội giúp người dân khu vực nông thôn tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng nhanh và hiệu quả hơn.
Để gia tăng khả năng cung ứng vốn, hoạt động hiệu quả, các TCTD cần tăng cường tiếp cận, liên kết đưa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp phục vụ khách hàng ở địa bàn nông thôn. Đây là giải pháp thiết thực để các ngân hàng mở rộng mạng lưới, cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp nhất cho khách hàng khu vực nông thôn hiện nay.
Ông Phong cho biết thêm, hiện nguồn vốn nhàn rỗi trong dân khu vực nông thôn còn rất tiềm năng. Do vậy, các TCTD cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hình thức cung cấp sản phẩm dịch vụ. Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần tiếp tục triển khai một số giải pháp khác như phát triển mạng lưới phân phối (cả các kênh truyền thống lẫn kênh điện tử như ATM, POS, mPOS, Mobile Banking, Internet Banking...), nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng khu vực nông thôn…
Thông tin từ NHNN - Chi nhánh Bình Dương cho thấy trong 3 năm trở lại đây, nhiều ngân hàng tăng số lượng điểm giao dịch tại các địa phương phía bắc của tỉnh, trong đó nhiều nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB). Trong thời gian tới, các ngân hàng khác cũng sẽ mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực nông thôn trong tỉnh.
THANH HỒNG