Các ngân hàng tăng cường thu hút vốn tại chỗ

Cập nhật: 06-03-2019 | 07:39:44

Nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động ngành ngân hàng. Vì vậy, trong những năm gần đây, các ngân hàng tại Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp thu hút vốn tại chỗ, đáp ứng tốt nhu cầu vốn tại đây.

 Nhiều giải pháp huy động vốn

Đóng vai trò là cầu nối giữa người thừa vốn và người có nhu cầu về vốn, trong thời gian qua, các ngân hàng tại Bình Dương đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch thu hút vốn và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Dương, trong năm qua đã thu hút vốn 22.025 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch Trung ương giao; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương thu hút vốn huy động 17.661 tỷ đồng, tăng 55,2% so với kế hoạch kinh doanh từ đầu năm...

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương, cho biết việc mở rộng quy mô hoạt động song song với việc không ngừng xây dựng, phát triển các sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đặc thù của địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện mục tiêu là ngân hàng bán lẻ đa năng của BIDV.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) - Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Không chỉ BIDV, các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại như tri ân khách hàng tiền gửi, tiết kiệm dự thưởng… nhằm thu hút vốn huy động, nhất là tiền gửi tiết kiệm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua các ngân hàng đã không ngừng mở rộng hệ thống mạng lưới đến các địa phương. Đến cuối năm 2018, mạng lưới tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có 66 đơn vị. Với con số này, đã tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng huy động vốn nhàn rỗi trong dân; người dân trong tỉnh cũng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, nhất là người dân các xã vùng nông thôn.

Song song với việc mở rộng hệ thống mạng lưới ngân hàng hướng về cơ sở, các ngân hàng cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn vốn tại địa phương. Theo đó, bên cạnh việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, các ngân hàng đã giao chỉ tiêu huy động vốn đến từng cán bộ, nhân viên, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động, đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng… nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế. Cùng với đó, các ngân hàng phân công cán bộ bám sát khách hàng tiềm năng, vận động gửi tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tập trung thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động, dư nợ và xử lý nợ xấu theo kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh việc tự thân nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các ngân hàng cũng thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, phong cách phục vụ cho đội ngũ giao dịch viên, tích cực thực hiện cải các thủ tục hành chính giúp các ngân hàng làm thủ tục hành chính nhanh chóng, thực hiện bảo đảm an toàn kho quỹ…

Với cách làm hiệu quả, sự chủ động, sáng tạo, an toàn của ngành ngân hàng đã tạo nên bước chuyển biến tích cực trong công tác huy động vốn, bảo đảm cung cấp một lượng vốn lớn cho các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, trong năm 2018, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 176.793 tỷ đồng, tăng 5,35% so với năm 2017. Con số này đã góp phần bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tại địa phương.

Nâng cao khả năng huy động vốn

Nhận xét về công tác huy động vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, bà Lê Thị Diệu Hiền, ngụ phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết là doanh nghiệp chuyên về xây dựng các công trình xây dựng cơ bản và một số lĩnh vực kinh doanh khác, cùng với vay vốn, cơ sở kinh doanh của bà cũng gửi tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Với tần suất liên tục gửi vào rồi lại rút vốn để tái sản xuất, bà cho hay mức lãi suất huy động cũng như cho vay của các ngân hàng áp dụng theo đúng bảng giá công khai. Trong quan hệ tín dụng, hầu hết các ngân hàng đều có phong cách phục vụ khá nhiệt tình, chu đáo và có phương tiện làm việc hiện đại. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp luôn bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói, bằng các biện pháp tích cực của ngành ngân hàng, công tác huy động vốn của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang chuyển dịch đúng định hướng và tạo được sự tin tưởng đối với khách hàng trong quá trình huy động vốn.

Theo đánh giá của ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, công tác huy động vốn trong năm 2018 đã ghi nhận sự nỗ lực rất lớn từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, những khó khăn còn ở phía trước đang đặt ra những thách thức không nhỏ với hệ thống ngân hàng trong nhiệm vụ huy động năm 2019. Để chủ động nguồn vốn đầu tư tín dụng, các ngân hàng cần phải thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; không thu các loại phí liên quan đến khoản vay (trừ một số khoản phí theo quy định); cùng với đó nâng cấp các phòng giao dịch với đầy đủ các dịch vụ ngân hàng nhằm tăng cường năng lực huy động vốn tại những địa bàn còn nhiều tiềm năng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tại tỉnh sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ, tích cực thu hồi xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; phát triển các dịch vụ ngân hàng tiện ích...

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2352
Quay lên trên