Các ngân hàng: Thận trọng cho vay lĩnh vực bất động sản

Cập nhật: 30-06-2018 | 11:11:56

Tuy nguồn vốn tín dụng dồi dào, nhưng hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng các giải pháp cần thiết để ngăn ngừa vốn tín dụng chảy quá mức vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng.

  Khách hàng giao dịch tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương.  Ảnh: THANH HỒNG

Rủi ro cao Dù nhu cầu vay vốn của khách hàng đang tăng cao, nguồn vốn huy động của các ngân hàng dồi dào song một số ngân hàng hiện không thể mạnh tay cho vay khi tín hiệu siết cho vay ở các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được phát đi. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trong năm nay chi nhánh được Vietcombank giao chỉ tiêu tín dụng là 15%, nhưng mới hết tháng 5 chi nhánh đã đạt tới 6%. Tuy chưa chạm mức 1/2 kế hoạch được giao trong 2 quý đầu năm nhưng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm không bị áp lực do nhu cầu khách hàng vay mới phát sinh nhiều; trong đó nhu cầu vay vốn đầu tư mở rộng, vay vốn phục vụ đơn hàng, đặc biệt là nhu cầu vay phát sinh mới của khối doanh nghiệp, khách hàng cá nhân tăng khá mạnh. Ông Quang mong muốn được “nới” chỉ tiêu tín dụng trong thời gian tới, vì dự kiến tháng 9, tháng 10 tới đây nhu cầu vay vốn làm hàng, sản xuất xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng. Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát

triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, tại đơn vị, nhu cầu vay vốn tăng trưởng ổn định ở mức 8%, riêng tín dụng ở lĩnh vực bất động sản, vay tiêu dùng vẫn tăng mạnh. Thời gian gần đây, khối khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn cao hơn, còn lượng khách hàng doanh nghiệp vay vốn vẫn ổn định. Hiện ngân hàng đã phải từ chối nhiều trường hợp muốn vay tiền mua đất nền hoặc nhà chung cư với ý định kinh doanh bất động sản. “Hiện cho vay mua nhà để ở hoặc để sửa chữa nhà ở thì ngân hàng giải quyết liền. Còn với tín dụng kinh doanh bất động sản, NHNN đã có chỉ đạo thắt chặt, chúng tôi không

thể xé rào”, ông Linh nói. Trước tình hình giá nhà, đất tăng nóng trong vài tháng qua, ghi nhận cho thấy các ngân hàng trên địa bàn tỉnh rất e dè về tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là bất động sản. Nhiều ngân hàng đang thận trọng trong thẩm định lại giá, xem xét cho vay không quá 70% trên tổng giá trị tài sản, áp dụng tăng mức lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản, dù biết rằng đây là lĩnh vực rất hấp dẫn lợi nhuận. Cụ thể, hiện nhiều ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản lên 12%/năm đối với vay trung hạn, còn dài hạn từ 12,5%, tức đã tăng 1-2%/năm so với trước đó vài tháng.

Điều chỉnh dòng tín dụng  Theo số liệu thống kê của NHNN - Chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 6-2018, tổng dư nợ tín dụng tại chi nhánh ước đạt 164.087 tỷ đồng, tăng 15,99%; tổng huy động vốn ước đạt 172.731 tỷ đồng, tăng 11,34% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này cho thấy, tỷ lệ sử dụng vốn trong nền kinh tế đang tăng cao. Tuy không khẳng định tỷ lệ tín dụng có chảy mạnh vào lĩnh vực phi sản xuất song theo nhận định của lãnh đạo NHNN - Chi nhánh Bình Dương, thực tế dấu hiệu tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản thông

qua hình thức cho vay tiêu dùng tại Bình Dương là có. Đây cũng là tình hình chung của nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy chưa có dấu hiệu vỡ “bong bong” nhưng diễn biến này đang cần có biện pháp kiểm soát để hạn chế rủi ro phát sinh. Chính vì vậy, bản thân các ngân hàng cũng đã thận trọng hơn trong việc cho vay lĩnh vực này; còn nhà quản lý cũng cảnh giác mối lo tín dụng bất động sản tăng “nóng” thông qua biện pháp quản lý vĩ mô bằng cách mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt cho vay vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán… để hạn chế nợ xấu. Song song với yêu cầu siết chặt cho vay vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán... NHNN cũng ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN. Các tổ chức tín dụng cũng phải kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng.

THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết
Tags
BIDV

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=361
Quay lên trên