Các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên... đang khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề mà cơn bão số 8 gây ra.
>> Khẩn trương tìm kiếm 23 người mất tích do bão số 8
>> Bão tan, nhiều người vẫn mất tích trên biển
>> Bão số 8 đang gây gió mạnh và mưa to ở các tỉnh Đông Bắc Bộ
Thái Bình: Thiệt hại 1.400 tỷ đồng
Chiều 29-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 8 tại Thái Bình.
Theo số liệu ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, với cường độ lớn, bão số 8 đã làm chết 3 người; 29 người bị thương, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, thông tin liên lạc, tài sản, lúa, hoa màu, phương tiện đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Tổng thiệt hại toàn tỉnh ban đầu là 1.400 tỷ đồng.
Qua kiểm tra tình hình và công tác khắc phục thiệt hại của bão số 8 tại huyện ven biển Thái Thụy, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của Thái Bình cần tiếp tục phân công lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố xuống kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khắc phục kịp thời hậu quả do bão gây ra; chủ động tổ chức công tác tiêu úng kịp thời; chuẩn bị triển khai mở rộng diện tích trồng cây rau màu, cây ưa lạnh thay thế diện tích vụ đông bị thiệt hại, khôi phục sản xuất thủy sản, chăn nuôi đảm bảo cung ứng thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Hậu quả bão số 8 tại Thái Bình. Tỉnh tập trung sửa chữa, khôi phục các công trình phòng chống lụt bão và các công trình thủy lợi bị thiệt hại do bão gây ra; nhanh chóng kiểm tra, tu sửa các tuyến đường bộ, tổ chức lực lượng đi giải tỏa chướng ngại vật; các tuyến đường phải được giải phóng thông suốt nhanh nhất; hướng dẫn các địa phương, đơn vị và nhân dân khắc phục hậu quả về ô nhiễm môi trường do bão gây ra.
Bên cạnh đó, tỉnh cần kịp thời làm sạch và cấp nước sinh hoạt; tổ chức tốt công tác phòng dịch, khám chữa bệnh cho nhân dân; khẩn trương khắc phục nhanh lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tu bổ, sửa chữa các công trình công cộng bị thiệt hại: trường học, trạm xá, trụ sở, nhà văn hóa; thực hiện tốt phương án bảo vệ an ninh trật tự và công tác tìm kiếm cứu nạn sau bão; triển khai phương án chuẩn bị vật tư, hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh; ổn định giá cả sau bão.
Cho đến nay, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Bình, điện mất, thông tin liên lạc vẫn bị tê liệt hoàn toàn. Tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Hòa Bình: Khẩn trương thu hoạch hoa màu bị gãy đổ
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hòa Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, 629ha cây trồng của huyện Lạc Thủy đã bị ảnh hưởng, nhiều nhất tại các xã Hưng Thi, Phú Thành, Thanh Hà, Đồng Tâm… Trong đó có 208ha ngô đang vào kỳ thu hoạch; 201ha mía; 171ha sắn và 62.420 cây ăn quả bị gẫy đổ.
Ngoài ra, gió lớn cũng làm 314ha keo bị đổ, thiệt hại nhiều nhất tại xã Đồng Tâm là 80ha, thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng; tốc mái 56 nhà dân và 11 công trình phụ, một cầu phao bị hỏng, ước tổng thiệt hại hơn 24 tỷ đồng.
Hiện các ban ngành chức năng đang kiểm tra, thống kê thiệt hại; đồng thời khuyến cáo nhân dân khẩn trương thu hoạch những diện tích hoa màu đã bị gẫy đổ do bão để tập trung sản xuất vụ đông.
Thanh Hóa: Đối phó tốt với bão số 8
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16 giờ 30 ngày 29-10, toàn tỉnh có có 3 nhà bị sập hoàn toàn, 2.172 nhà bị tốc mái, hơn 7.200 ha cây màu vụ đông như ngô, đậu tương, khoai tây... bị dập nát, đổ gãy, hư hỏng. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng 1.000 ha và có 2 thuyền bị hư hỏng, đánh chìm.
Cũng theo báo cáo này, Thanh Hóa có 11km đê biển, đê cửa sông bị sạt lở (trong đó sạt lở bờ biển thị xã Sầm Sơn, huyện Quảng Xương là 8,5km, sạt lở đê cửa sông Nga Sơn dài 2,5km), kênh mương bị sạt lở 160m. Đường dây điện thoại, cáp quang bị đứt 16.500m và có 40 cột điện hạ thế, thông tin bị đổ gãy. Ước tính tổng thiệt hại 257 tỷ đồng.
Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban tiền phương phòng chống lụt bão số 8 đặt tại huyện Nga Sơn và chỉ đạo Sở Công Thương đưa 10 tấn gạo lên các huyện miền núi để dự trữ tại những nơi xung yếu, có khả năng bị cô lập do mưa lũ.
Qua kiểm tra thực tế và làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đánh giá cao công tác triển khai đối phó với cơn bão số 8 của tỉnh Thanh Hóa.
Hải Dương: Thiệt hại hàng chục ngàn hécta lúa và hoa màu
Trước những thiệt hãi do bão số 8 gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp để khắc phục.
Các địa phương, đơn vị đã chủ động gạn tháo tự chảy và bơm gạn. Hiện nay một số trạm bơm đang bơm gạn tháo như Vạn Thắng, Kinh Trung, Hoàng Tiến (thị xã Chí Linh), Đò Phan, Du Tái, Cấp Tứ, Ba Nữ (huyện Thanh Hà)...
Các địa phương huy động cán bộ, nhân dân khẩn trương tổ chức thu dọn, vệ sinh môi trường sau bão; dựng lại các cột điện, cây cối bị đổ, tăng cường chăm sóc diện tích rau màu bị xô, táp; sửa lại các mái nhà bị tốc mái.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Hải Dương cũng chỉ đạo điện lực các địa phương tập trung 100% lực lượng khắc phục các sự cố về điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng ở những vùng trọng điểm đang có lúa, rau màu bị úng, ngập.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi khẩn trương chỉ đạo các Xí nghiệp trực thuộc khẩn trương tiêu úng để cứu lúa và rau màu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 1 người thiệt mạng ở huyện Nam Sách do dây điện rơi vào người, 4 người bị thương ở huyện Tứ Kỳ và Kinh Môn; gió lớn cũng khiến 1 nhà bị sập, 221 nhà bị tốc mái, 26 cột điện bị gãy đổ, 3.396ha lúa, hàng trăm hécta ngô, dưa, bí, hành, tỏi, ổi, quất, đu đủ bị gãy đổ; 2.460ha rau màu bị gãy đổ.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000ha lúa (tập trung Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Hà), 7.000 ha rau màu vụ đông bị úng.
Bão cũng khiến Cống Nại Thượng đê tả Lạch Tray (Kim Thành) bị sạt mang cống phía đồng dài 4,5m, lấn sâu 1m; bãi sông hạ lưu kè Thất Hùng (Kinh Môn) tiếp tục sạt lở vào sát chân đê, đe dọa an toàn đê; kênh trạm bơm Cậy Sơn (Kinh Môn) bị sạt dài 20m....
Nam Định: Bão quật đổ hàng nghìn cột điện
Bão số 8 đã đi qua nhưng đời sống của người dân tỉnh Nam Định vẫn chưa thể trở lại bình thường. Tính đến cuối giờ chiều 29-10, bão không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, mà còn khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 3 người bị thương.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, hàng nghìn hécta lúa mùa, hoa màu và diện tích nuôi thủy sản mặn lợ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều trạm thu phát sóng viễn thông, cột điện cao thế bị gãy đổ gây mất điện trên diện rộng.
Công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 8 đang được tỉnh Nam Định triển khai hết sức khẩn trương.
Hai nạn nhân thiệt mạng do bão được xác định là ông Nguyễn Văn Toán, xóm 24 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bị đắm tàu tại khu vực Cồn Nhất, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy; bà Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1951), trú tại thị trấn Quyết Lâm, huyện Giao Thủy. Ba người bị thương trong bão ở xã Xuân Tân (Xuân Trường) và xã Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Hưng).
Đến cuối giờ chiều 29-10, ngay trên những tuyến phố trung tâm của thành phố Nam Định, công tác khắc phục được triển khai tích cực nhằm giải tỏa ách tắc giao thông và ổn định cuộc sống người dân.
Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có hàng trăm cột điện cao thế, hàng nghìn cột hạ thế, nhiều tuyến đường dây hư hỏng.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Điện lực Nam Định cho biết, ngành điện Nam Định đã nỗ lực khắc phục hậu quả của bão, khôi phục được 30/83 đường trung thế; 5/10 huyện và thành phố đã có điện.
Hiện hệ thống điện ở khu vực nông thôn bị hự hại nặng, trong đó huyện Giao Thủy bị hư hại nặng nề nhất với 80% vị trí cột và đường dây bị đứt gãy.
Các khu công nghiệp hiện chưa thể đóng điện do đổ cột, đứt dây. Ngành điện đang cố gắng hết sức để có thể cấp điện trở lại cho toàn tỉnh trong 2-3 ngày tới.
Theo ghi nhận của phóng viên, bão số 8 không kèm theo mưa lớn, nước biển không dâng cao, nên toàn tuyến đê biển của tỉnh Nam Định về cơ bản an toàn và số diện tích nuôi trồng thủy sản không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên đã có 3 vị trí đê kè trên địa bàn tỉnh Nam Định bị sụt lún diện tích 200m2.
Hưng Yên: 1.000ha cây ăn quả có nguy cơ mất trắng
Dù không nằm ở tâm bão, nhưng Hưng Yên cũng hứng chịu cảnh xác xơ do cơn bão số 8 đã tàn phá nặng nề nhiều diện tích hoa màu, cây cối. Gió giật mạnh trên cấp 7 và mưa lớn trên 100ml đã làm cho gần 5.000ha rau màu vụ đông và gần 1.000ha cây ăn quả của toàn tỉnh đứng trước nguy cơ mất trắng, thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Riêng hai huyện Khoái Châu và Kim Động do có nhiều diện tích chuối đang có buồng quả chuẩn bị thu hoạch, đã bị đổ rạp có khả năng mất trắng. Mỗi huyện ước tính thiệt hại trên 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, hơn 100ha cam, bưởi và cây ăn quả khác ở Văn Giang, Tiên Lữ, Phù Cừ bị gió quật làm nứt rụng quả, dẫn đến thất thu. Hơn 400 cây nhãn ở thành phố Hưng Yên cũng bị đổ nghiêng và long gốc.
Gió bão mạnh đã làm cho hơn 200 điểm đèn chiếu sáng và đèn chùm trang trí trên các tuyến đường thành phố Hưng Yên bị hư hỏng, rơi vỡ, nhiều cột điện nghiêng đổ. Khoảng 800 cây xanh đô thị, chủ yếu là cây sấu và một số cây cổ thụ ở Phố Hiến bị gẫy, đổ, bật gốc.
Tại Phù Cừ, khu di tích đền Tống Trân có 14 cây bị gẫy và bật rễ, một cây cổ thụ bị đổ làm sập mái chùa Thánh Ân, thôn An Cầu; nhiều cột điện ở một số nơi bị đổ gây mất điện cục bộ.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố, sửa chữa cột điện và dọn dẹp cây bị đổ, không để ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Đối với đồng ruộng, tổ chức gạn tháo nước, xử lý kịp thời những điểm gây úng cục bộ đối với rau màu, không để cây ăn quả bị đọng nước quanh gốc; buộc dựng, tỉa cành lá và chăm bón để phục hồi cây bị dập nhẹ; gieo trồng bổ sung diện tích cây vụ đông còn thời vụ thay thế những diện tích cây đã chết, tránh để lãng phí đất. Mặt khác, rà soát các thiệt hại do mưa bão gây nên để có phương án hỗ trợ hợp lý.
Hải Phòng: Thiệt hại 400 tỷ đồng
Theo báo cáo lúc 17 giờ ngày 29-10 của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, sau ba ngày di chuyển qua thành phố (từ ngày 27-29.10), cơn bão số 8 đã làm một người chết, một nguời mất tích, chín người bị thương và tổng thiệt hại ước tính khoảng 400 tỷ đồng.
Ngay sau khi bão tan, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp khẩn và tổ chức các đoàn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tổ chức tìm kiếm người và phương tiện bị trôi dạt, mất tích, huy động các nguồn lực xử lý, khôi phục các công trình bị hư hại và khôi phục sản xuất.
Theo TTXVN