Các trường đại học: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH

Cập nhật: 17-07-2015 | 08:10:57

Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Trên tiến trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), đòi hỏi tỉnh cần có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Dự báo trước tình hình này, các trường đại học (ĐH), cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội.


Sinh viên trường ĐH Quốc tế Miền Đông trong giờ thực hành.
Ảnh: A.SÁNG

Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ

Từ khi thành lập, trường ĐH Thủ Dầu Một đã xác định đây là trường ĐH công lập phục vụ cho nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nhà. Để tạo nên thương hiệu, chất lượng đào tạo có tính quyết định, nhà trường đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài, qua đó đã có nhiều nhà khoa học có học hàm, học vị về đầu quân cho trường. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng nói, từ ban đầu trường đã định hình đây là cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Từ gần 180 cán bộ, giảng viên ban đầu, đến nay trường có hơn 700 cán bộ, giảng viên; trong đó phần lớn có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (EIU) cũng là một điển hình của trường ĐH mang tầm quốc tế. Một ngôi trường bề thế với các trang thiết bị dạy học hiện đại, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, công nghệ quản lý giáo dục tiên tiến, EIU là một lựa chọn của sinh viên trong những năm gần đây.

Các trường ĐH ngoài công lập như: Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Bình Dương cũng đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới quản lý và đào tạo, quy mô và chất lượng, lấy chất lượng làm trọng. Bà Lê Bích Phương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương nói, đội ngũ giảng viên luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử, chuyển dần từ truyền thụ kiến thức một chiều sang giảng dạy lấy học sinh - sinh viên (HSSV) làm trung tâm; phát huy tính chủ động làm việc của các em; hướng dẫn HSSV phương pháp tìm kiến thức, phương pháp khai thác và cập nhật thông tin…

Mở rộng ngành nghề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng EIU cho biết: “Becamex đã quyết định đầu tư khoảng 100 triệu USD để xây dựng EIU theo hướng đạt chuẩn quốc tế; trước mắt tập trung đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ cao, quản trị, điều dưỡng và đang chuẩn bị để mở khoa y, đào tạo bác sĩ y khoa dự kiến vào cuối năm 2016. Hiện nay, EIU có 2.994 SV hệ chính quy; số lượng SV của EIU còn ít, nhưng trong những năm hoạt động đầu tiên của EIU, đó lại là điều kiện tốt để chúng tôi dễ dàng đưa được 100% SV đi thực tập, thực hành, nghiên cứu tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Với trường ĐH Thủ Dầu Một, nhà trường đã định hình được một cơ sở đào tạo ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, với định hướng ứng dụng, hướng đến ĐH nghiên cứu. Với mục tiêu phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo và CNH, HĐH tỉnh nhà, trường đã xây dựng 28 ngành đào tạo, trong đó 22 ngành đào tạo ĐH và 6 ngành cao đẳng, gồm các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, giáo dục, kỹ thuật, môi trường.

Tăng cường hợp tác đào tạo

Tại trường ĐH Bình Dương, theo Hiệu trưởng Cao Văn Phường, nhiều năm qua nhà trường đã liên kết, hợp tác đào tạo qua việc trao đổi giảng viên, SV giữa các trường. Chỉ tính trong năm 2015, trường đã đẩy mạnh hợp tác với các trường ĐH lớn và các tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ, đón nhiều giảng viên từ Hoa Kỳ sang giảng dạy. Hoạt động này giúp cho SV trau dồi vốn tiếng Anh từ các giảng viên bản ngữ và các em được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Hay mới đây nhất là vào ngày 15-7 vừa qua, cô Mitsuyo Narukage, giảng viên từ Tập đoàn Giáo dục Anabuki Nhật Bản sang ĐH Bình Dương giảng dạy. Từ tháng 9-2015, cô Mitsuyo Narukage sẽ giảng dạy tiếng Nhật cho các học viên của Trung tâm Nhật ngữ trường ĐH Bình Dương. Được biết, trường ĐH Bình Dương và Tập đoàn Giáo dục Anabuki - Nhật Bản chính thức ký kết hợp tác từ tháng 6-2015. Theo biên bản ghi nhớ, trường ĐH Bình Dương mở ra các trung tâm tư vấn, đào tạo nhằm đưa học viên Việt Nam sang Nhật Bản du học hoặc tu nghiệp, nghiên cứu tại hệ thống của Tập đoàn Giáo dục Anabuki; Phát triển chính sách ĐH liên kết bằng cấp quốc tế đào tạo tại ĐH Bình Dương liên kết với ĐH Anabuki; Phát triển thêm các ngành nghề đào tạo tại trường ĐH Bình Dương. Tập đoàn Giáo dục Anabuki phát triển các hệ thống giáo dục tại Bình Dương.

Từ lâu trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đã gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo. Nhà trường đã đưa giảng viên, HSSV đi thực tế ở các doanh nghiệp và kết hợp với doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm, giúp SV tiếp cận trực tiếp với nhà tuyển dụng. Từ hoạt động này, sau khi tốt nghiệp, phần lớn HSSV đã được tuyển dụng.

Thực hiện hội nhập quốc tế, các trường cao đẳng, TCCN cũng đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo. Cụ thể, trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương hợp tác với tổ chức Koica và Công ty TNHH Darby -CJ Gennetics của Hàn Quốc hàng năm tổ chức tập huấn cho HS của trường và nông dân các tỉnh vùng Đông Nam bộ về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, trao đổi giáo viên sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm và HS sang học tập tại nước này.

Ngoài trang bị kiến thức chuyên môn cho SV, các trường ĐH còn chú trọng rèn kỹ năng mềm và bồi dưỡng tiếng Anh cho SV. Bởi như lời ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng EIU, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, SV tốt nghiệp muốn cạnh tranh với những nhân lực đồng trang lứa thì phải có khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát. Nắm bắt xu hướng này, nhà trường đặc biệt chú trọng đào tạo tiếng Anh cho SV trong suốt quá trình học tập. Trường thành lập trung tâm ngoại ngữ ngay tại trường, đồng thời tổ chức các câu lạc bộ và xây dựng phòng thực hành kỹ năng viết nhằm hỗ trợ và phát triển tối đa 4 kỹ năng cho SV, giúp các em khi ra trường có thể giao tiếp tốt tiếng Anh và đạt trình độ IELTS 6.0.

Trao đổi với chúng tôi về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một vị lãnh đạo ngành GD-ĐT cho rằng, các trường cần tiếp tục phát huy mô hình nhà trường gắn với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị sử dụng nguồn lao động. Ngành cũng sẽ chỉ đạo các trường cần có chủ trương tăng cường liên kết với các doanh nghiệp rà soát lại chương trình, nội dung đào tạo theo hướng tiếp cận với nhu cầu người sử dụng, tạo điều kiện tốt để HSSV được thực hành, thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp, từng bước nâng cao đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Ông DƯƠNG THẾ PHƯƠNG, Giám đốc Sở GD-ĐT:

Trong hệ thống giáo dục của ta có lẽ đến lúc này ai cũng nhìn thấy sự thiếu hụt của công tác đào tạo nghề phục vụ CNH, HĐH cho tỉnh nhà, cũng như sự liên kết, liên thông của các hệ đào tạo chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả của hệ thống đó được biểu hiện ở những con số đánh giá về chất lượng, năng suất lao động của nguồn nhân lực.

Thời gian tới, các trường cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, liên kết, phối hợp rộng rãi hơn với các nhà doanh nghiệp, các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo của các trường TCCN. Các trường xem lại các ngành đang đào tạo, bổ sung những ngành mà nhu cầu xã hội đang cần.

 

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=742
Quay lên trên
X