Kỳ cuối: Tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đổi mới
69 năm qua, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt lớn với những thử thách vô cùng to lớn. Dù ở giai đoạn nào, dù thách thức có to lớn đến đâu nhưng Đảng và Nhà nước luôn biết dựa vào nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, phục vụ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Kẻ địch nào dù sừng sỏ, hùng mạnh đến đâu, khó khăn nào dù to lớn đến mấy chúng ta cũng chiến thắng, cũng vượt qua để bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó chính là khí phách Việt Nam, ý chí Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa nước ta vào một thời kỳ mới, cả nước độc lập, thống nhất và từng bước tiến lên CNXH. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tập trung sức lực và trí tuệ, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong những năm đầu sau chiến tranh, đất nước ta bên cạnh những thuận lợi cũng gặp nhiều khó khăn lớn. Một mặt, ta phải tìm mọi cách để hàn gắn những vết thương, giải quyết những hậu quả sau 30 năm chiến tranh; mặt khác phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, lại bị sự bao vây, cấm vận và bị các lực lượng thù địch chống đối. Song chúng ta cũng đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, từng bước xây dựng những cơ sở vật chất ban đầu của đất nước sau chiến tranh, tạo tiền đề cho các bước phát triển sau này. Chúng ta cũng từng bước xây dựng, củng cố chính quyền các cấp trên phạm vi cả nước, ban hành Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980; từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân. 10 năm cả nước tiến theo con đường XHCN (1975-1985) là 10 năm Đảng ta tìm tòi con đường đổi mới. Đây cũng là thời kỳ tư duy mới được hình thành từng bước bắt nguồn từ thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu và cả khuyết điểm trong 10 năm ấy đã mang lại những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Từ giữa những năm 80, trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN. Công cuộc đổi mới mang ý nghĩa một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, một sự nghiệp thật sự sáng tạo của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta. Công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của tình hình, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Những năm tháng đất nước tiến hành công cuộc đổi mới là những năm tháng tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. CNXH trên thế giới bước vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Các lực lượng đế quốc và phản động nhân dịp này tăng cường chống phá các nước XHCN còn lại. Tình hình trong nước, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như khó vượt qua nổi. Nhưng với những nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, công cuộc đổi mới của nhân dân ta đã tạo được những thành tựu rất quan trọng: Giữ vững ổn định chính trị, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững; không khí dân chủ, cỏi mở trong xã hội ngày càng được phát huy; quan hệ quốc tế được mở rộng, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.
Từ chỗ là một nước thiếu đói phải đi nhập khẩu mỗi năm hàng triệu tấn lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực đứng thứ hai thế giới; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh; công nghiệp, dịch vụ không ngừng phát triển và chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong nền kinh tế, cán cân xuất nhập khẩu ngày càng cân bằng; các mặt văn hóa, xã hội có bước phát triển tích cực… Tuy nước ta chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong khu vực nên tốc độ phát triển kinh tế có bị chậm lại, song vẫn giữ được tốc độ phát triển tương đối cao. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã phát huy được tiềm năng trong nước, mở rộng hợp tác với bên ngoài. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế đều có những bước chuyển biến đáng kể, cùng với đổi mới kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị cũng từng bước được đổi mới và kiện toàn. Hiến pháp 1992 được ban hành đã phản ánh được ý nguyện của nhân dân, khẳng định mục tiêu và con đường XHCN, thể chế hóa đường lối đổi mới đặt cơ sở cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đã diễn ra trong không khí lành mạnh, dân chủ, đúng pháp luật. Các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nội lực được khơi dậy và phát huy có hiệu quả.
Thành tựu chúng ta đạt được trong 28 năm qua đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, khẳng định sự nghiệp cách mạng nước ta đang vững bước tiến lên. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiếp tục phát huy được truyền thống quật cường của dân tộc, đặc biệt phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm từ cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám và các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, Đảng ta, nhân dân ta có đủ bản lĩnh và khả năng để vượt qua mọi khó khăn, đứng vững đi lên xây dựng một nước Việt Nam XHCN giàu đẹp, vững mạnh, văn minh trong thế kỷ XXI.
Phát huy những bài học lớn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh diễn biến theo chiều hướng thuận lợi mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức. Toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu; tích cực khai thác các tiềm năng, thế mạnh địa phương, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. 6 tháng đầu năm 2014, tổng sản phẩm (GDP) tăng 9,5%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 81.882 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,2%, dịch vụ tăng 13,2%, nông nghiệp tăng 1,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%; tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng 8%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh tăng cao với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm tăng 10,7% so với cùng kỳ…
Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng tình hình kinh tế tỉnh nhà vẫn tiếp tục phát triển. Các hoạt động văn hóa xã hội được chú trọng tổ chức với nhiều hình thức phong phú, từng bước đáp ứng yêu cầu vui chơi giải trí của người dân. Việc tổ chức di dời các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể vào Trung tâm Hành chính tỉnh theo đúng kế hoạch đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, thúc đẩy công tác cải cách hành chính theo hướng hành chính mở và hiện đại. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và hoạt động có hiệu quả là nguồn lực, sức mạnh của toàn Đảng bộ, là cơ sở, nền tảng để tăng cường đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)