Trong cuộc họp đánh giá kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương năm 2018 (PCI 2018) mới đây do ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, các thành viên UBND, HĐND tỉnh đều nêu quan điểm thống nhất tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn nữa để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.
Hạ tầng đồng bộ là thế mạnh để Bình Dương được các nhà đầu tư đánh giá cao. Trong ảnh: Đường vào Khu công nghiệp VSIP I
Chính quyền năng động và tiên phong
Đó là đánh giá chung của cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương khi được tham gia khảo sát, lấy ý kiến cho PCI 2018. Cụ thể, 87% doanh nghiệp tham gia điều tra đồng ý với nhận định “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân”, tăng so với con số 80% năm 2017. Đồng thời, 76% doanh nghiệp cho biết “UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mới phát sinh”, tăng so với 70% năm 2017.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với năm 2017, PCI 2018 của Bình Dương tăng 8 bậc, tương ứng với mức tăng là 1,62 điểm. Đây rõ ràng là một sự bứt phá rất mạnh mẽ của Bình Dương trong việc quay trở lại nhóm dẫn đầu. Bình Dương với 66,06 điểm đã trở lại nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của PCI 2018 ở vị trí thứ 6. Trong khu vực Đông Nam bộ, Bình Dương vươn lên soán ngôi hạng 1 của TP.Hồ Chí Minh. Kết quả này đến từ những kết quả đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền tỉnh Bình Dương và tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng quy trình mua sắm, đấu thầu tại tỉnh minh bạch chiếm 59% (năm 2017 là 47%) và 81% doanh nghiệp cho biết nhận được thông tin sau yêu cầu các cơ quan của tỉnh cung cấp (năm 2017 là 62%).
Về kết quả các chỉ số thành phần, kết quả đánh giá có đến 6 chỉ số tăng điểm (70% các chỉ số). Đó là chỉ số chi phí gia nhập thị trường, đạt 7,83 điểm, tăng 0,17 điểm, xếp hạng 14/63 tỉnh thành cả nước (trung vị cả nước là 7,43 điểm); tiếp cận đất đai 7,12 điểm, tăng 0,29 điểm, hạng 12/63; tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt 6,8 điểm, tăng 0,28 điểm, hạng 6/63. Trong nhóm này, đặc biệt có chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh đạt đến 6,85 điểm, tăng 0,81 điểm và xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố cả nước. Trong khi đó, trung vị cả nước ở chỉ số này cũng rất thấp, chỉ 5,55 điểm.
“Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương đánh giá rất cao năng lực điều hành của UBND tỉnh. Ở đó, không chỉ có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành mà còn có sự chung vai sát cánh, linh hoạt giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ phía UBND tỉnh, các ngành, các cấp”, ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Bình Dương nhận xét.
Quyết liệt cải thiện chỉ số PCI 2019
Ngoài ra, một số chỉ số được đánh giá riêng biệt, không cộng điểm trực tiếp vào PCI 2018 nhưng cũng rất quan trọng đối với doanh nghiệp là chất lượng điều hành và chỉ số cơ sở hạ tầng, Bình Dương đều đạt ở mức rất cao. Cụ thể, về cơ sở hạ tầng (4 chỉ số thành phần), Bình Dương tiếp tục dẫn đầu cả nước, thuộc nhóm 5 tỉnh tốt nhất gồm Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng. Nhìn chung, tỉnh nào có chất lượng điều hành tốt thì có xu hướng có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn. Ngoài ra, tỉnh có hiệu quả kinh tế tốt nhất là những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, lại là nơi có chất lượng điều hành ở mức trên trung bình.
Những kết quả bước đầu trên bảng xếp hạng PCI 2018 đến từ những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền tỉnh Bình Dương và tính công khai, minh bạch môi trường kinh doanh của tỉnh. Điều này cũng cho thấy những thành quả bước đầu đầy khích lệ dành cho sự nỗ lực của Bình Dương trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả tại địa phương |
Tuy nhiên, ngoài những chỉ số tăng điểm ở tốp đầu, Bình Dương cũng có 4 chỉ số giảm điểm. Đó là chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý. Đáng chú ý, ở chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát đánh giá kém hơn so với năm ngoái ở một số chỉ tiêu như: Cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả, cán bộ công chức thân thiện, phí lệ phí niêm yết công khai, nội dung thanh - kiểm tra bị trùng lặp, thanh - kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp…
Tại cuộc họp đánh giá kết quả PCI 2018, cải thiện PCI 2019 và những năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương với vai trò tham mưu đã vạch ra 12 nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới trình UBND tỉnh. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật và cam kết của UBND tỉnh với VCCI. Ban Quản lý các KCN tỉnh và Ban Quản lý KCN VSIP nhắc nhở các chủ đầu tư KCN đẩy nhanh tiến độ triển khai các KCN, triển khai thi công đồng bộ các công trình kỹ thuật theo quy hoạch.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả của trang thông tin điện tử tỉnh, tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp tiếp cận, truy xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu rút ngắn thời gian và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tham mưu UBND tỉnh ban hành bảng giá đất hàng năm phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên khi tiến hành thu hồi đất doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng PCI 2018 đã phản ánh kịp thời, chính xác những nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong thời gian qua trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện PCI 2019 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung những nội dung như: Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban ngành và các đơn vị được phân công chủ trì cải thiện chỉ số PCI và từng chỉ số thành phần. Công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận và sử dụng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong giải quyết khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...
KHÁNH VINH