Ngày 22-2-2017 là ngày đánh dấu mốc quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu khi thỏa thuận đa phương đầu tiên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức có hiệu lực. Với việc nhận 4 thông báo phê chuẩn đối với Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA), WTO đã đạt được 2/3 sự nhất trí từ 164 thành viên cần thiết để hiệp định có hiệu lực. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.
Theo ông Mai Hữu Tín, để tăng năng lực cạnh tranh, Bình Dương cần cải thiện hoạt động logictics. Trong ảnh: Kho cảng Tân Vạn (TX.Dĩ An) Ảnh: PHÙNG HIẾU
- Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đón nhận tin TFA vừa được WTO phê chuẩn như thế nào?
- TFA vừa được WTO phê chuẩn rõ ràng là một tin vui. Với tư cách là một trong 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới thì rõ ràng Việt Nam được hưởng lợi từ hiệp định này. Mục tiêu chính của TFA là giải quyết các vấn đề về hải quan, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu; đồng thời tăng cường hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật. Là một tỉnh có xuất - nhập khẩu lớn thì đương nhiên các doanh nghiệp của Bình Dương cũng được hưởng lợi. Dự kiến, hiệp định sẽ giúp giảm thời gian nhập khẩu hàng hóa thêm 1,5 ngày và giảm thời gian xuất khẩu thêm gần 2 ngày, giảm chi phí thương mại của các nước thành viên thêm 14,3% và giúp kim ngạch giao dịch hàng hóa toàn cầu tăng 1.000 tỷ USD/năm. Việc thực thi TFA dự kiến cũng sẽ giúp các công ty mới chưa từng tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu dễ dàng gia nhập thị trường hơn, các nước đang phát triển sẽ tăng số lượng sản phẩm mới được xuất khẩu lên 20%, trong khi các nước kém phát triển sẽ tăng 35%...
- Mỹ đã từ chối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vậy vai trò của WTO sẽ giúp gì cho doanh nghiệp Bình Dương, thưa ông?
- Ngoài Mỹ, Việt Nam có giao dịch với tất cả các nền kinh tế lớn khác của thế giới là thành viên của WTO. Do vậy mọi tác động tích cực mà WTO có thể mang lại đều có lợi cho doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp Bình Dương nói riêng. Chính quyền mới của Mỹ dù từ chối TPP nhưng khẳng định vẫn sẽ đeo đuổi các hiệp định thương mại song phương với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Do vậy, trước mắt chúng ta cần tập trung khai thác nhiều hơn ở các thị trường khác, tránh bị lệ thuộc vào thị trường Mỹ cho đến khi tình hình rõ ràng hơn.
- TFA cho phép các nước đang và kém phát triển đặt ra kế hoạch thực thi hiệp định này phụ thuộc vào năng lực của các nước. Bình Dương cần phải làm gì để cải thiện năng lực cạnh tranh, thưa ông?
- Việc này tùy thuộc vào năng lực đổi mới của cả hệ thống nói chung và của ngành hải quan Việt Nam nói riêng. Một quỹ về TFA đã được thành lập theo đề nghị của các nước đang và kém phát triển nhằm bảo đảm các nước này nhận được sự hỗ trợ cần thiết để đạt được lợi ích đầy đủ của hiệp định và nhằm hỗ trợ mục tiêu cuối cùng để tất cả các thành viên thực thi đầy đủ hiệp định.
Chúng ta đều biết là chi phí logistics của Việt Nam hiện rất cao, cao hơn 20% GDP, làm cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế. Các yếu tố chính khiến chi phí logistics cao như vậy, là ngoài khả năng quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn bao gồm cơ sở hạ tầng kém và thủ tục hành chính gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Khi ngành hải quan tích cực thay đổi để thực hiện TFA thì chi phí logistics của Việt Nam sẽ giảm, mang lại khả năng cạnh tranh tốt hơn cho doanh nghiệp.
- Theo ông, các doanh nghiệp của Bình Dương cần chuẩn bị gì để đón nhận thời cơ lẫn thách thức khi TFA có hiệu lực?
- Cần nhớ là không chỉ mình Việt Nam được hưởng lợi mà các nền kinh tế đang phát triển khác có tham gia WTO, bao gồm các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Indonesia, Philippines… đều hưởng lợi từ hiệp định này. Việc cạnh tranh do vậy không vì có TFA mà giảm đi. Để tận dụng được các giá trị mà hiệp định này mang lại, ngoài nỗ lực của ngành hải quan và các cơ quan hữu quan khác, các doanh nghiệp trong tỉnh càng phải cố gắng cải thiện hơn nữa khả năng quản trị của mình, nhất là khả năng quản trị chuỗi cung ứng.
- Xin cảm ơn ông!
Lãnh đạo WTO khẳng định, TFA có hiệu lực là rất quan trọng, vì ít nhất có hai lý do. Thứ nhất, hiệp định này có hiệu lực cho thấy cam kết của các thành viên đối với hệ thống thương mại đa phương và họ đang thực hiện theo cam kết đã nêu tại Bali (Indonesia) năm 2013. Thứ hai, TFA có hiệu lực chúng ta bắt đầu thực thi hiệp định, giúp cắt giảm chi phí thương mại trên thế giới, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước nghèo hơn thực thi hiệp định. Có thể nói, thực hiện TFA sẽ giúp thương mại toàn cầu tăng khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm, với lợi ích lớn nhất được dành cho các nước nghèo nhất. Tác động của hiệp định này sẽ lớn hơn so với việc xóa bỏ tất cả rào cản thuế quan hiện tại trên thế giới.
PHÙNG HIẾU (thực hiện)