Cần có chính sách “mở”, bơm vốn cho sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 15-03-2023 | 08:42:06

Thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (SME). Để các DN vượt qua khó khăn, chính quyền, ngành ngân hàng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

 Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Hiệp hội Dệt may tỉnh giới thiệu sản phẩm đến các đối tác nước ngoài

 DN gặp khó

Hiện nay, để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động, việc tiếp cận nguồn vốn vay dù lãi suất cao cũng không phải dễ dàng. Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, khẳng định: “Đối với ngành dệt may, do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và biến động của tỷ giá đô la Mỹ, tác động trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu, dẫn đến lợi nhuận giảm trong những tháng đầu năm nay. Mặt khác, do lãi suất ngân hàng quá cao nên DN hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hạ lãi suất, khống chế tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ở mức 3% để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Cần khống chế trần lãi suất, giữ lãi suất cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm”.

Theo phản ánh của các DN, đối với những khoản vay ngắn hạn, do tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) không có lãi thể hiện trên báo cáo tài chính nên khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng DN phải có nguồn vốn đối ứng là 20% của dự án, ngân hàng mới cho vay thay vì 100% như trước đây. Điều này gây khó khăn rất lớn cho DN trong việc xoay xở nguồn lực tài chính. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nếu có chính sách hỗ trợ vốn lưu động từ các tổ chức tín dụng sớm sẽ giúp DN vượt qua được.

Phía Hiệp hội Cơ điện tỉnh cũng cho rằng trong điều kiện khó khăn như hiện nay nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Các tổ chức tín dụng cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng. Tổ chức tín dụng cần xây dựng hệ thống quy trình thu thập, khai thác thông tin dữ liệu, phân tích đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ DN xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao...

Tạo điều kiện cho tăng trưởng

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, cho biết dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tháng 2-2023 tăng 0,41% so với tháng trước. Dư nợ cho vay tập trung vào VND (chiếm 89,73%) và dư nợ cho vay ngắn hạn (chiếm 53,94%), cho thấy nguồn tiền vay tập trung vào SXKD, qua đó góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm, chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng việc tiết giảm chi phí nội tại, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN, quan tâm đầu tư vốn phát triển kinh tế tại địa phương. Hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao, cơ cấu vốn tín dụng được điều chỉnh theo hướng hợp lý, an toàn và hiệu quả hơn. Trong đó, chương trình kết nối ngân hàng - DN đã tạo hiệu ứng lan tỏa đối với cộng đồng DN, hộ SXKD trên địa bàn.

Ngoài việc hỗ trợ vốn đối với các thành phần kinh tế, các tổ chức tín dụng tập trung cho vay 5 ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, DN sản xuất công nghiệp phụ trợ với tổng dư nợ tín dụng đạt 166.410 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng có nhiều hình thức hỗ trợ như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, qua đó đáp ứng nhu cầu vốn của DN.

Năm 2023, tín dụng vào các chương trình kinh tế dự kiến tăng 14 - 15% so với năm 2022 và có sự điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Hiện các ngân hàng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng cho vay mới, gia tăng nguồn vốn cung ứng cho các khoản vay của DN. Đơn cử, với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, Vietcombank Bình Dương vẫn áp dụng mức lãi suất từ 4,5 - 8%/năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Bình Dương cũng triển khai chương trình cho vay ưu đãi và các chính sách miễn giảm phí cạnh tranh đối với khách hàng DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. HDbank đang triển khai gói tín dụng Swift Sme 20.000 tỷ đồng, sản phẩm cho vay kinh doanh dành cho DN nhỏ và vừa nhằm bổ sung vốn phục vụ SXKD, từ nay đến hết ngày 31-3-2023. Sacombank Bình Dương cũng có chương trình cho vay kinh doanh trả góp dành cho DN nhỏ và vừa, giảm áp lực trả nợ do thời gian vay lên đến 60 tháng, thay vì phải trả nợ trong vòng 1 năm như thông thường...

 Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho biết chương trình cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất đã giải ngân cho 223 lượt với số tiền hơn 541 tỷ đồng để trả lương cho 124.103 lượt người lao động (xếp thứ 3 toàn quốc). Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trọng tâm là tham mưu tháo gỡ khó khăn về cơ chế ủy thác vốn địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, phấn đấu ủy thác vốn địa phương đạt 100% kế hoạch.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=234
Quay lên trên