Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) kỳ vọng được hoàn tất vào cuối năm nay sẽ mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, đặc biệt tại thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Hiện thuế nhập khẩu bình quân áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, EU lần lượt là 17 - 18% và 10 - 12% trên giá FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Các mức thuế này sẽ có lộ trình cắt giảm dần về 0% theo hiệp định và người tiêu dùng Mỹ, EU sẽ được mua quần áo nhập khẩu từ Việt Nam với giá cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, những lợi ích nêu trên chỉ có được nếu sản phẩm dệt may Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (các khâu sản xuất sợi, vải và may đều phải diễn ra trong các nước TPP thì sản phẩm may mặc cuối cùng mới được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định). Còn quy tắc xuất xứ trong EVFTA lại dựa trên nền tảng “từ vải trở đi”. Vì vậy, nếu doanh nghiệp (DN) may không chủ động được nguồn vải - sợi tại Việt Nam hoặc trong khối TPP và EVFTA thì không những khó tận dụng cơ hội mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường.
Con đường duy nhất để tạo sự bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam là phải có nền tảng công nghiệp phụ trợ, trước mắt đáp ứng đủ nhu cầu cho tổng lượng hàng may mặc sản xuất hàng năm. Về vấn đề này, theo lãnh đạo Vinatex, điều cốt yếu là cần thành lập các cụm công nghiệp nguyên phụ liệu, giải quyết nút thắt chính là xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại hoặc các công đoạn của ngành may như giặt, in… Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư trong cụm công nghiệp phụ liệu về thuế đất, thuế VAT, thu nhập, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư...
K.T (tổng hợp)