(BDO) Sáng 5-11, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo với các địa phương Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Bến Tre. Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các ban, ngành.
Tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo đã thông qua báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên và việc tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội tại điểm cầu Bình Dương
Đến nay, giáo viên Bình Dương đã nắm khá tốt nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Bước đầu nắm được dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, biết áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khả năng ứng dụng CNTT trong dạy học được nâng lên, đồng thời có ý thức tự nghiên cứu, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng xu hướng đổi mới.
Tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tổ chức dạy học linh hoạt, với đa dạng hình thức, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, có địa phương cơ bản kiểm soát được dịch, đang từng bước lên kế hoạch dạy học trực tiếp; các địa phương đang thực hiện giãn cách thì học trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và học qua truyền hình.
Để đảm bảo hiệu quả triển khai công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo yêu cầu của Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, Bình Dương sẽ triển khai "Đề án củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất ngành Giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2022, định hướng đến năm 2030". Triển khai kế hoạch thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của viên chức quản lý, giáo viên các cấp học giai đoạn 2020-2025 và năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu trong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các địa phương, ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88. Báo cáo của các địa phương theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT thì áp lực về số phòng học, số giáo viên sẽ càng tăng. Do đó, Ủy ban sẽ kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ giải quyết vấn đề này. Đồng thời, cần có đề án riêng để đánh giá đầy đủ các vấn đề đang tồn tại hiện nay. Riêng về đội ngũ giáo viên, nhiều địa phương đang thừa thiếu cục bộ ở một số cấp, một số địa bàn. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, nhất là cấp học mầm non. Vì vậy, Ủy ban cũng đã đề xuất và kiến nghị lên Chính phủ. Để đảm bảo điều kiện cho các em học sinh học tốt trong tình hình dịch bệnh các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến chương trình "Sóng và máy tính cho em", thống kê, bổ sung số liệu để Ủy ban hoàn thiện báo cáo trình lên Quốc hội, Chính phủ.
MINH HIẾU