Cùng với việc tỉnh cho phép học sinh bậc THPT trở lại trường lớp vào đầu tháng 11 này, các trường đại học (ĐH) trong tỉnh cũng tính đến việc sinh viên (SV) sẽ học trực tiếp để hoàn thành chương trình năm học. Việc giảng dạy trực tiếp cũng được các trường chuẩn bị chu đáo, trong đó có việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Bảo đảm an toàn
Trường Sĩ quan công binh - ĐH Ngô Quyền là trường ĐH đầu tiên trong tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp vào đầu tháng 10. 100% học viên của trường ở nội trú, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh được bảo đảm. Theo lãnh đạo nhà trường, hiện nay dù tỉnh đã trở về trạng thái “bình thường mới” nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn được trường thực hiện nghiêm túc theo quy định của ngành y tế. Nhà trường thực hiện nghiêm nguyên tắc “5k + vắc xin + tinh thần + thể lực”. Do đó, hiện nay 100% cán bộ, giảng viên, học viên của trường không có trường hợp nào bị mắc Covid-19. Các trường hợp ra vào trường phải kiểm tra y tế, có giấy xác nhận, an toàn mới được vào. Các trường hợp học viên đến nhập học, công tác tại trường đều được kiểm tra y tế và cách ly 14 ngày tại khu riêng trước khi bắt đầu học tập và công tác. Hàng ngày trường đều duy trì kiểm tra thân nhiệt 100% quân số, khi có biểu hiện nghi ngờ là cho cách ly theo dõi.
Hiện nay, sau khi Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”, nhiều SV các trường ĐH trong tỉnh mong được quay lại trường lớp. Trong ảnh: Sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một thực hành thí nghiệm trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp
Điểm chung của các trường ĐH là hầu hết SV đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, do đó vẫn còn SV ở các tỉnh chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, các trường phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm vắc xin cho SV. Cụ thể như trường ĐH Thủ Dầu Một đã phối hợp tổ chức 3 đợt tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho hơn 1.000 SV. Ngày 29-10 vừa qua, các SV tiêm đợt đầu đã được tiêm mũi 2. Khi đã có “hộ chiếu vắc xin”, SV tự tin đến trường học trực tiếp trong thời gian sắp tới.
Với trường ĐH Bình Dương, nhà trường cũng có kế hoạch tổ chức cho SV đăng ký tiêm vắc xin. Riêng những em đã hoàn thành 2 mũi vẫn phải thực hiện khai báo thông tin tiêm chủng với trường. Thầy Cao Việt Hưng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bình Dương, cho biết mục đích của việc này nhằm giúp nhà trường nắm được số lượng SV đã được tiêm vắc xin. Với những SV chưa tiêm ngừa, sau khi các em đăng ký, nhà trường tổng hợp danh sách và phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm ngừa. Khi các em đủ điều kiện mới được vào trường.
Mong trở lại trường
Trước đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường ĐH tổ chức khai giảng và giảng dạy bằng hình thức trực tuyến. Hiện nay, sau khi Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”, các SV rất nóng lòng mong ngày đến trường để gặp lại thầy cô, bạn bè. Đối với SV năm nhất, các em càng mong đến trường học trực tiếp để cảm nhận môi trường ĐH.
Em Nguyễn Minh Khôi, SV năm nhất trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, quê tỉnh Phú Yên tâm sự, hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, em chuẩn bị hành trang mới cho cuộc hành trình tiếp theo vào trường ĐH mình lựa chọn. Bao nhiêu sự mong đợi háo hức của bản thân Khôi đã bị Covid-19 lấn át và gói gọn lại trong em những ngày qua là phải học online tại nhà. “Học online cũng có cái hay, nhưng chắc chắn tụi em thích học trực tiếp hơn vì thầy cô giảng bài có hồn hơn. Khi được tin Bình Dương và các tỉnh hết dịch, SV có thể được đến trường, niềm vui và hạnh phúc lại ùa về trong em. Cảm giác được đến trường, được gặp thầy cô sau bao nhiêu ngày chỉ nhìn nhau qua màn hình, được học những tiết học thú vị cùng với bạn bè và thầy cô và điều đặc biệt là được đặt chân đến ngôi trường mà mình mơ ước là điều mà chúng em hằng mong mỏi”, Khôi tâm sự.
Ngày 30-10 vừa qua, Bình Dương đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát liên tỉnh, SV các tỉnh có thể yên tâm trở lại trường. Ngày các trường ĐH mở cửa đón SV không còn xa nữa. Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một, cho hay đa số SV mong muốn đến trường sau thời gian dài học trực tuyến. Nếu tình hình ổn, trường sẽ mở dần hoạt động dạy trực tiếp đối với những học phần SV phải thực hành, thực tập, bắt buộc các em phải đến trường.
Trường cũng tính toán đến số SV làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp cần đến trường gặp thầy cô. Nhà trường cũng đang liên hệ với các doanh nghiệp để các em được thực tập thực tế. Hiện tại, các phòng thí nghiệm, thực hành ở trường đã được dọn vệ sinh sạch sẽ, đồng thời trường cũng tính toán việc giãn cách SV trong lớp học để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. “Để đến trường học trực tiếp, SV phải được tiêm 2 mũi vắc xin để bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Hiện tại nhà trường chưa ấn định cụ thể thời gian các em trở lại trường. Tuy nhiên, khi SV học trực tiếp, nhà trường vẫn bảo đảm quy định về phòng, chống dịch bệnh của Trung ương, Bộ Y tế và của tỉnh”, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp nói.
HỒNG THÁI