Cần tăng định mức trợ cấp cho một số ngành nghề đặc thù

Cập nhật: 27-11-2019 | 08:20:54

 Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện và sau cai nghiện ma túy có nguy cơ rủi ro lây bệnh cao từ các đối tượng xã hội. Là những ngành nghề đặc thù nên việc điều chỉnh và nâng mức hỗ trợ để bảo đảm nguồn nhân lực, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề là điều cần thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

 Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp người khuyết tật tỉnh hướng dẫn dạy nghề, chăm sóc người khuyết tật

 Những ngành nghề đặc thù

Theo thông tin điều tra, hiện xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng, người cai nghiện gây ra nhiều hành vi phức tạp nguy hiểm như: Ngáo đá, loạn thần, không làm chủ được hành vi. Với đặc thù là quản lý người nghiện ma túy, trong đó nhiều người nghiện có tiền án, tiền sự, bị nhiễm HIV/AIDS, lao và các bệnh truyền nhiễm khác nên cán bộ, nhân viên có nguy cơ lây bệnh cao. Chính sách tiền lương chưa phản ánh đúng giá trị lao động của loại lao động đặc biệt này, không thu hút được cán bộ có đủ trình độ năng lực, nhất là cán bộ có trình độ chuyên ngành. Nhiều người tuy theo nghề nhưng vì thế mà nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề giảm sút.

Trong khi đó, công việc quản trang tuy không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự cần mẫn và có cái tâm. Phải là những người yêu nghề, tự hào với công việc quản trang thì mới có thể gắn bó lâu dài. Gắn bó với công việc quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Dầu Tiếng đã lâu năm, mỗi ngày anh Nguyễn Thanh Phú, cán bộ quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Dầu Tiếng làm những công việc lặp đi lặp lại như: Hướng dẫn thân nhân liệt sĩ thăm viếng, thắp hương các phần mộ, cắt tỉa cây cảnh, quét dọn, làm cỏ, thu gom rác làm sạch đẹp nghĩa trang. Anh Phú gắn bó với nghề không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui, sự tri ân với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Hay như trường hợp của chị Nguyễn Bích Thúy, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là chăm sóc, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa và trẻ mồ côi. Công việc chăm sóc rất vất vả nhưng chị Vân chưa hề than khổ, than cực mà làm với tất cả trách nhiệm và tình thương. Những việc làm đầy tính nhân văn của chị đã góp phần giúp người già có cuộc sống tốt hơn và trẻ em có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Cần tăng định mức hỗ trợ

Ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết: “Thời gian qua, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện và sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh. Nghị quyết đã góp phần khuyến khích, động viên đội ngũ làm công tác này ổn định cuộc sống, an tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cho các đối tượng theo nghị quyết nói trên đã không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, nhằm tiếp tục kế thừa chế độ, chính sách mà tỉnh đang thực hiện; đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương, việc xây dựng nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội công lập, Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Tổ quản trang cấp huyện trên địa bàn tỉnh là cần thiết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua số lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các đơn vị này xin nghỉ việc ngày càng tăng. Tính từ năm 2017 đến nay, đã có 49 người xin nghỉ việc theo nguyện vọng. Bên cạnh đó, các đối tượng xã hội ngày càng tăng dẫn đến việc quản lý trực tiếp trong việc cắt cơn, giải độc, chữa bệnh, tư vấn, giáo dục và dạy nghề… của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày càng nhiều, quá tải và khó tuyển dụng nhân viên. Vì vậy, việc điều chỉnh và nâng mức hỗ trợ để bảo đảm nguồn nhân lực tại các đơn vị là phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

“Trên địa bàn tỉnh hiện có 183 cán bộ, viên chức làm việc tại 5 đơn vị: Cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp người khuyết tật, Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Tổ quản trang cấp huyện, Trung tâm Bảo trợ xã hội. Đây là những ngành nghề đặc thù, phức tạp có nguy cơ rủi ro cao và có thể lây bệnh từ các đối tượng xã hội. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, viên chức đã có trợ cấp đặc thù, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, tuy nhiên chưa đáp ứng đúng với tình hình thực tế công việc tại các cơ sở này. Việc tăng định mức hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên tinh thần cho đội ngũ cán bộ, nhân viên an tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

(Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh)

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên