Cho vay tín chấp, không chứng minh thu nhập, cho vay dựa vào giấy chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện… là những kiểu làm ăn của một số tổ chức tín dụng “đen” đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Quảng cáo cho vay nóng được dán tràn lan trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh (ảnh chụp tại đường Cách Mạng Tháng Tám, TX.Thuận An). Ảnh: PHÙNG HIẾU
Cho vay “nóng” có tổ chức
Theo ghi nhận, hiện có đến hàng chục trang web cho vay nóng trực tuyến. Lên google tìm kiếm, chỉ cần đánh “cho vay nóng” thì có 7 - 8 trang web sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu. Tại trang web “chovay...”, điều kiện cho vay hết sức “dễ chịu”: Không phân biệt ngành nghề, chỉ cần độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi; cho vay theo bằng lái xe, cà vẹt xe, thẻ nhân viên, thẻ sinh viên... Ở trang web “chovaynong...”, điều kiện vay còn đơn giản hơn: Không cần hộ khẩu, KT3…, thậm chí hồ sơ cho vay xấu (tức bị nhiều ngân hàng từ chối) vẫn có thể vay tiền ở trang web này.
Ông Lê Ngọc Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á tại Bình Dương cho biết, hiện nay, một số ngân hàng hợp tác với đối tác cho ra đời các công ty tài chính. Các công ty tài chính này thường cho vay tiêu dùng với mức lãi suất từ 1,8 - 2%/tháng. Trong khi đó, môt số công ty tài chính khác hoạt động chủ yếu cho vay với lãi suất cao, đánh vào tâm lý cần tiền tiêu dùng của người dân. Thực tế cho thấy, với mức lãi suất cao và được trả góp hàng ngày, nhiều người vay hầu như chỉ đủ tiền trả lãi, dần dần dẫn đến khả năng mất kiểm soát nợ và lãi chồng lãi với món nợ không thể trả. Để thu hồi nợ, những công ty này bất chấp thủ đoạn, từ đe dọa đến khủng bố con nợ…
Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi đã ký hợp đồng cho vay thế chấp, một số ngân hàng hoặc công ty tài chính sẽ không cung cấp cho bạn hợp đồng bản chính. Điều này khiến người vay rất dễ dính vi phạm, vì có thể sẽ quên mất những điều khoản và thời hạn đã ký trên hợp đồng dẫn đến phải trả phí phạt. Nếu không trả nợ đúng hạn, chắc chắn người đi vay sẽ bị truy hồi nợ với nhiều hình thức khác nhau tùy nơi vay. Một số công ty tài chính còn tìm đến người thân của bạn hoặc gọi điện thoại liên tục trong ngày, gây phiền hà không chỉ cho bản thân người đi vay mà còn với những người xung quanh.
“Khủng bố” để đòi nợ
Một số công ty tài chính đang họat động tại Bình Dương xây dựng hệ thống “chân rết” để tìm khách hàng vay. Có nghĩa là “tiền nóng” của công ty này sẽ rải xuống hàng chục “chân rết”. “Chân rết” trung gian cho vay sẽ hưởng phần trăm lãi suất cho vay. Để thu hồi nợ khó đòi, sau lưng các công ty tài chính là các công ty chuyên đòi nợ thuê, thậm chí cả những tay anh chị xã hội đen.
Nạn nhân mới đây của hình thức vay “nóng” là anh Nguyễn Xuân H, ở phường An Thạnh, TX.Thuận An. Anh H. vay 60 triệu đồng trả gốc và lãi hàng ngày, thời gian vay trong 10 ngày. Do hết khả năng trả nợ, anh H. liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin đòi nợ. Ban đầu chỉ là mắng chửi, sau đó là hù dọa. Chịu không nổi bị “khủng bố tinh thần”, anh H. dọn đi ở trọ khắp nơi. Sau đó, các tay anh chị lập tức tới nhà mẹ ruột anh H. khủng bố cả gia đình, thậm chí chúng còn ném đá bể nát cửa kính nhà mẹ anh nhằm tạo áp lực để gia đình thanh toán nợ vay. Vụ việc sau đó đã được cơ quan công an giải quyết. Gia đình anh H. một phen “sống dở chết dở”, nhưng gia đình anh H. phải đi vay chỗ khác để trả nợ khoản tiền đã vay.
Các chuyên gia khuyến cáo, vay nóng để xoay xở tình thế bất ngờ do ốm đau, bệnh tật, tai nạn là nhu cầu có thực của người dân. Tuy nhiên, khi đi vay, người vay cần phải cân đối tài chính cá nhân của họ, có một kế hoạch trả nợ thích hợp. Điều này không chỉ giúp người cho vay giảm nợ xấu mà quan trọng hơn còn làm tăng độ tin cậy của người đi vay, để từ đó có thể tiếp cận với các nguồn vốn khác dễ dàng hơn.
Lãnh đạo một chi nhánh công ty tài chính tại Bình Duơng cho biết, người có nhu cầu vay nóng tốt nhất tìm đến các công ty cho vay hợp pháp, có địa chỉ, trụ sở rõ ràng; nguời vay cần hiểu rõ khả năng trả nợ của mình. Một trong những giải pháp mà các ngân hàng, công ty tài chính đang thực hiện là áp dụng mức phí phạt rất cao với trường hợp trả trễ hẹn…
XUÂN VĨ