Hiện nay đang là cao điểm mùa mưa nên tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp, kéo theo nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đường thủy. Do đó, để tự bảo vệ bản thân, người dân cần thực hiện đúng các quy định về bảo đảm ATGT đường thủy để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra...
Toàn tỉnh hiện có hơn 70 bến thủy nội địa và bến khách ngang sông. Trong đó, số lượng bến khách ngang sông là 19 bến. Đây là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện phà, đò, góp phần giải quyết nhu cầu về giao thông cho người dân tại địa phương giáp ranh có vùng sông nước.
Thời gian qua, thông qua nhiều biện pháp, trong đó lấy tuyên truyền làm trọng tâm, ngành chức năng tỉnh đang giúp hoạt động vận tải hành khách tại các bên khách ngang sông trên địa bàn nâng dần chất lượng phục vụ. Song song đó, ý thức chấp hành về bảo đảm trật tự ATGT, nhất là việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn đường thủy của chủ bến, người điều khiển phương tiện và cả người tham gia giao thông thủy cũng đã được nâng cao.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đường thủy kiểm tra hành chính trên phà An Sơn
Hưởng ứng sự vận động từ chính quyền địa phương, cùng nhận thức về nâng cao sự an toàn cho hành khách, nhiều chủ bến đã chủ động tu sửa, nâng cấp, thay mới nhiều phương tiện thủy với quy mô và công suất lớn hơn để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều bến khách ngang sông thực hiện đầu tư chuyển đổi phương tiện vận chuyển hành khách từ ghe, phà gỗ sang phà sắt nhằm nâng cao hiệu suất phục vụ và cũng để bảo đảm an toàn hơn cho hành khách sang sông. Tuy nhiên, vẫn còn một số bến đò đang vận chuyển hành khách bằng những phương tiện đã cũ kỹ. Theo đó, có thể thấy nhiều phương tiện, máy móc... đã lỗi thời; hiệu suất, hiệu năng đã giảm đi đáng kể nhưng vẫn được chủ bến sử dụng để kinh doanh, gây tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn trong giao thông đường thủy, nhất là trong thời điểm hiện nay. Theo ghi nhận của PV tại một số bến khách ngang sông, do phương tiện chuyên chở đã khá cũ kỹ, để lên và xuống các phà gỗ, người điều khiển phương tiện phải di chuyển thận trọng và khó khăn. Riêng khi di chuyển trên sông, các “chuyến đò” này khá chậm chạp, tròng trành, với mép nước khá sát mép thuyền, tạo tâm lý bất an cho nhiều hành khách sang sông.
Hiện nay để được phép hoạt động, các phương tiện này đều phải trải qua đăng kiểm định kỳ. Tuy nhiên, do đã quá cũ kỹ nên thời gian cấp phép hoạt động chỉ từ 3 - 6 tháng là buộc phải kiểm định lại để bảo đảm an toàn. Do đó việc thay thế, đổi mới các phương tiện này có thể xem là việc làm cần thiết.
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh, cho biết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội đ ịa, ngành giao thông - vận tải thường xuyên chỉ đ ạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, trước hết là hướng dẫn các chủ bến tuân thủ các quy định của pháp luật về giấy chứng nhận đ iều khiển phương tiện của người điều khiển phương tiện, giấy đăng ký - đăng kiểm còn trong thời hạn của phương tiện… Nếu phương tiện gần hết đăng kiểm sẽ được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền gần nhất để thực hiện đăng kiểm…
Tính đến nay, trong nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, lực lượng chức năng tỉnh đã phối hợp kiểm tra nhiều hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa. Riêng đối với các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền cho hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi đò, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra và làm cam kết cho 19 bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Sau kiểm tra, lực lượng chuyên ngành hiện đã tiến hành đình chỉ hoạt động một bến đò. Việc làm này là rất cần thiết nhằm chấn chỉnh hoạt động của các bến khách ngang sông trong hoạt động vận tải hành khách, đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác trật tự ATGT đường thủy trong giai đoạn cao điểm mùa mưa đang diễn ra.
BÌNH MINH