Sau một thời gian được đồn thổi là “thần dược” chữa bách bệnh, bị săn lùng tận diệt và được bán với giá "cắt cổ", nay cây mật nhân đã khan hiếm và bỗng rớt giá thê thảm.
Lời đồn thổi về cây “thần dược” chữa bách bệnh.
Cây “thần dược” hay còn gọi là cây bách bệnh được đồn thổi những ngày qua của người dân ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thực chất là cây mật nhân hay cây mật gấu. Một số người dân nơi đây cho biết, cây này chữa được rất nhiều bệnh như đại tràng, xương khớp, ghẻ lở và đặc biệt nó có thể chữa được chứng hiếm muộn con, “ông uống bà khen hay”…
Người phụ nữ này khẳng định đây là cây thần dược chữa bách bệnh.Giá trị, công dụng của loại cây này tuy chưa được kiểm chứng cụ thể nhưng do những lời đồn thổi lan nhanh chóng mặt mà cây được ưa chuộng, tìm mua.
Đem sự tò mò, nghi hoặc về loài cây “thần dược” quý hiếm này, chúng tôi đã tìm về "nguồn" của những lời đồn: phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Không khó để hỏi thăm được về cây "thần dược" bởi từ người già cho đến trẻ con, hễ nhắc đến là biết, thậm chí có thể nói vanh vách công dụng chữa bệnh.
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị T. một người chuyên buôn bán cây "thần dược" ở phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Chị này quả quyết: "Đây là loại thảo dược quý chữa được rất nhiều bệnh nan y như bệnh đại tràng, xương khớp, ghẻ lở, giúp ăn ngon ngủ yên… Trước đây, cây này được bán với giá khoảng 50 - 100 nghìn đồng/kg. Sau này khi mọi người biết công dụng thì giá của cây tăng lên vùn vụt, nhưng nay thì giảm hẳn rồi".
Nhiều người buôn bán ở chợ còn khẳng định loại cây này có thể chữa được cả bệnh sinh con hiếm muộn, giúp tăng cường sinh lực cho đàn ông. Họ nói loại cây này ở bên Lào có rất nhiều, gọi là loại sâm Alipas (?!).
Vì công dụng của cây được đồn thổi như vậy, nhiều khi còn kèm thêm những màu sắc ly kì và huyền bí nên ở Hồng Lĩnh đã hình thành một phong trào lên núi đào cây “thần dược” về bán. Chính vì bị săn lùng nên cây ngày càng cạn kiệt, khan hiếm. Trước đây có ngày một người lên núi đào được cả mấy chục kg nhưng nay có khi đi rồi về không. Khi đã bới khắp núi Hồng Lĩnh, họ lại chuyển sang những vùng núi khác xa hơn.
Người đi săn cây bán nhiều mà người lùng mua cây cũng lắm. Người ta thi nhau mua cây về, tự chế theo những công thức truyền miệng với hy vọng mọi bệnh tật đều tiêu tan.
Anh Nguyễn Huy Hùng, người dân ở phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cho hay: “Cách đây chừng nửa tháng, thấy nhiều người bảo nhau là có loại cây "thần dược" chữa được bệnh hay lắm mà bán được giá cao nên nhiều người đã kéo nhau lên núi đi tìm. Tui cũng mua 1 kg về ngâm rượu uống thử, thấy có vị đắng đắng. Nhiều khi đói bụng uống vào còn thấy hoa hết cả mắt. Uống được khoảng 1 tuần không thấy khác gì nên tui cũng thôi”.
“Thần dược” rớt giá
Sau một thời gian “đình đám” với những công dụng được đồn thổi trên trời, nay cây “thần dược” đang bị rớt giá và bị người dùng quay lưng vì nhận thấy không có giá trị như những lời quảng cáo.
Chị Nguyễn Thị Nga ở phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, cho biết: “Trước đây, khi rộ lên tin đồn về một loại thần dược có thể chữa được bách bệnh, nhiều người dân trong phường tay cuốc, tay xẻng kéo nhau lên núi đào cây. Lúc đầu giá của nó từ 50 - 100 nghìn đồng/kg. Sau này khi công dụng "thần dược" của nó được truyền tai nhau thì giá đội lên 300 - 400 nghìn/kg. Có những lúc người dân không đào được, hàng khan hiếm, giá lên đến hơn 500 nghìn đồng/kg mà cũng không có để bán. Bây giờ giá của nó rẻ hơn rồi, chỉ còn khoảng... 25.000 đ/kg. Ngoài chợ cũng bán đầy, rẻ như rau chú ạ”.
Khi được hỏi vì sao một loại "thần dược" đang có giá cao như thế bỗng dưng lại rớt giá thê thảm như vậy, chị Nga nói đùa: “Cũng có lẽ vì họ đã mua đủ nên giờ giá của nó chỉ có thế thôi”.
Theo cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS, TS Đỗ Tất Lợi, được NXB Y học phát hành năm 2003, nêu rõ: “Đây là vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh. Vỏ dùng để chữa bệnh ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng. Quả dùng chữa lỵ. Tại Campuchia người ta dùng để chữa ngộ độc và say rượu, trị gan. Lá cây thì dùng để chữa ghẻ, lở ngứa”. Như vậy có thể thấy đây là loại cây thuốc nam có thể chữa được một số bệnh thông dụng, hoàn toàn không có chuyện chữa được bệnh hiếm muộn hay tăng cường sinh lực đàn ông. Đây cũng không phải “thần dược” chữa được tất cả các bệnh nan y. Và chắc chắn cũng như bao loại thuốc khác, nếu không sử dụng đúng cách, cây cũng có thể gây phản ứng phụ khó lường. Việc khai thác cây tràn lan vô tội vạ cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái trong rừng, khiến loài thảo dược này có thể bị "tiêu diệt" một cách đáng tiếc.
Theo Dân Trí