Chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS: Cần có tình người

Cập nhật: 30-11-2012 | 00:00:00

 Người nhiễm HIV/AIDS cần lắm “tình người”

Dọc theo con đường nhỏ, chúng tôi đến thăm khoa nhiễm BVĐK Bình Dương, được cách ly với các khoa khác. Bên trong cánh cửa khép hờ của phòng tư vấn HIV, rất nhiều BN đang chờ khám. Họ mặc cảm nép vào góc tường, hay đeo khẩu trang để không ai nhận ra mình. Khác với những căn bệnh thông thường khác, HIV/AIDS luôn bị đa số mọi người cho rằng đó là hậu quả của lối sống buông thả, của những lần ăn chơi trác táng. Chính vì lẽ đó, nhiều người có H (HIV) bị coi là tội đồ, nên không nhận được sự cảm thông từ cộng đồng. Nhưng đâu ai biết rằng, hiện nay, ai ai cũng có thể trở thành nạn nhân vì một phút bất cẩn. Anh T.H.V., hiện là sinh viên, chia sẻ: “Sau khi quyết định công khai với mọi người là mình nhiễm HIV, tôi cảm nhận được sự thay đổi trong cách đối xử của bạn bè, bà con, hàng xóm với mình. Họ “tặng” tôi những ánh nhìn sắc lạnh, lời nói khiếm nhã, thậm chí còn xa lánh”.

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến hết tháng 8-2012, số người mới phát hiện nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 140 người (giảm 16,7% so với cùng kỳ); tích lũy từ đầu vụ đến thời điểm cuối tháng 8 là 7.438 người. Số người nhiễm HIV mới chuyển sang giai đoạn AIDS là 38 người (giảm 49,3% so với cùng kỳ); tích lũy từ đầu vụ đến nay là 2.428 người. Tổng số bệnh nhân đăng ký điều trị ARV tại 2 phòng khám ngoại trú thuộc BVĐK tỉnh và BVĐK Dĩ An là 775 người; số BN AIDS đang điều trị ARV là 802 người.

Theo BS khoa nhiễm Nguyễn Văn Quốc Việt, số lượng người có H đến chia sẻ về việc bị đối xử một cách thô bạo không phải là hiếm gặp. Khi rơi vào tình huống này, dù cứng rắn đến đâu cũng không cầm nổi những giọt nước mắt tủi thân, tủi phận. Họ là đối tượng dễ bị tổn thương. Người có H cần lắm hai chữ “tình người”. Cho dù họ nhiễm H vì lý do gì thì giờ đây cuộc sống của họ đang gặp phải rất nhiều sóng gió, thế nên đừng tạo thêm cho họ những áp lực từ cách đối xử, từ những lời gièm pha, bàn tán. Dù nhiễm HIV, họ vẫn là một con người có cảm xúc, biết đau khổ và hạnh phúc. Hơn nữa, HIV không lây qua giao tiếp thông thường nên chẳng có lý do gì phải xa lánh người có H.

Có thể thấy, ngoài bản thân người nhiễm H bị kỳ thị, những đứa con, cháu, vợ (chồng)… của họ cũng chịu chung nỗi đau. Do đó, cần lắm sự chung tay, góp sức để những người nhiễm HIV/ AIDS được sống, được hòa nhập cộng đồng. Anh Đ.D.H., ở Bến Cát cho biết: “Tôi và vợ bị nhiễm HIV, nhưng con trai lại may mắn âm tính với HIV. Mỗi lần đi học con trai tôi đều ngồi khóc và hỏi: “Con xấu xí lắm phải không ba, tại sao bạn bè ghét con”. Nghe những câu hỏi đó, tôi và vợ chỉ biết ngậm ngùi, đau xót”.

“Sống” lại lần nữa!

HIV/AIDS, một đề tài không mới nhưng vẫn trở nên nóng bỏng, cấp bách bởi số lượng người bị nhiễm ngày càng tăng. Tại phòng khám ngoại trú BVĐK tỉnh trong thời gian qua đã có hơn 1.500 trường hợp nhiễm HIV đang điều trị. Đối tượng mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở các nhóm di biến động gồm: công nhân xây dựng, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, thanh thiếu niên ngoài trường học, học sinh, sinh viên...

“Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (kéo dài từ ngày 10-11 đến ngày 10-12-2012), với chủ đề là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Trong tháng hành động, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng. Vào lúc 7 giờ 30 ngày 1-12, 91/91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức mít-tinh và diễu hành nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1-12. Các hoạt động truyền thông trong tháng hành động sẽ tăng cường phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú trọng truyền thông về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khỏe với cá nhân, thảo luận nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao; tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức truyền thông có hiệu quả khác như đội tuyên truyền lưu động, đội chiếu bóng lưu động, các cuộc thi tìm hiểu phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức giao lưu văn nghệ truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại các xã, phường, thôn, ấp; phổ biến các tài liệu truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng... tại các địa điểm công cộng như các bến tàu xe, nhà ga, các cơ sở y tế và lồng ghép trong các sự kiện khác... ”

CẨM LÝ

Sự kỳ thị đã khiến nhiều BN nhiễm HIV/AIDS từ chối điều trị, dẫn đến những cái chết đau thương. Do đó, các BS, ĐD tại khoa nhiễm luôn nhắc nhau nhiệt tình, yêu thương, hòa đồng với họ như những BN bình thường khác. Chính vì vậy, nhiều BN nhiễm HIV đến đây như được “sống” thêm lần nữa, bởi sự quan tâm của các y, BS. Anh T.T.N., BN điều trị nội trú, chia sẻ: Lúc đầu khi biết mình bị nhiễm HIV, anh hụt hẫng vì không còn nơi nào để bám víu nên sống bất cần đời. Nhiều lúc không muốn chấp nhận sự thật là mình bị nhiễm HIV nên nghĩ quẩn. Được các BS, ĐD tận tình chăm sóc vết thương, bệnh tật mà chẳng nề hà gì. Qua đó, anh thấy thoải mái tinh thần hơn và trong anh như “thắp” lên ngọn lửa niền tin vào ngày mai.

Nói về những BN, ĐD Phạm Thị Kim Hoàng, hơn 28 năm gắn bó với BN nhiễm HIV, xót xa: “Nhiều BN xem cái chết như là lẽ tất nhiên nên họ chẳng dám đòi hỏi gì nhiều ở mình. Không ít người bất hợp tác với chúng tôi trong lúc điều trị bệnh, đến khi gần kề cái chết họ mới thiết tha được sống và trân trọng tính mạng của mình. Nhưng nhiều người trách chúng tôi, tại sao lại cứu người thân của họ, bởi sống như vậy có còn ý nghĩa gì. Chúng tôi vừa là BS, vừa là những người bạn tâm giao của họ, nên không thể thấy chết mà không cứu”. Theo nhiều BS, ĐD làm việc lâu năm tại khoa nhiễm, họ rất vui khi chứng nhiều BN sau khi được điều trị thành công đã quay trở lại cộng đồng, sống khỏe mạnh và tìm cho mình một công việc phù hợp với khả năng lao động. Tuy đã “sống” lại lần nữa, nhưng khi họ có những tâm sự, khúc mắc trong đời sống chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ.

Một ngày ở khoa nhiễm để được lắng nghe, gặp gỡ những BS, ĐD… tư vấn, chăm sóc và điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi cảm nhận được không ít câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt về tình người, tình đời của họ.

Đ.LÊ - T.LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=284
Quay lên trên