Dù đang cuối mùa mưa lũ nhưng chưa bao giờ miền Trung lại nắng nóng như năm nay. Hàng triệu nông dân đứng trước nỗi lo mất mùa vì các hồ chứa cạn kiệt, sâu bệnh hoành hành.
Tại Quảng Ngãi, ngay từ sáng sớm trời đã oi bức, nắng gắt. Bình thường vào cuối tháng 11 các sông hồ đầy ắp nước còn thời điểm này hầu hết trơ đáy. Đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông Trà Khúc, sát bên TP Quảng Ngãi, trông giống "sa mạc" bởi bãi cát trải mênh mông.
Ngư dân đi lại trên bãi cát mênh mông dưới đáy sông Trà Khúc.
Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi dù đã đóng van cửa xả tích nước hơn một tháng qua, song một số hồ chứa cao nhất cũng chỉ đạt dưới 50% dung tích. Ông Nguyễn Nhung, Giám đốc công ty khẳng định, cuối mùa mưa năm nay lại rơi vào "mùa kiệt" khô hạn nhất trong lịch sử 20 năm qua. Ngành nông nghiệp tỉnh đang huy động nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng, tiết kiệm nguồn nước tối đa để chống hạn.
"Vào mùa này hàng năm tiết trời se lạnh chứ không oi bức đến 34 độ C giống mùa hè. Nhiệt độ trung bình tháng 11 năm nay tăng cao nhất tính từ năm 1958 đến nay, lượng mưa chỉ đạt 20-40% so với trung bình nhiều năm", ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi nhận định.
Về nông thôn, đi đến đâu cũng nghe bà con nông dân than thở, lo ngại khô hạn diễn ra gay gắt. "Theo lịch thời vụ vài ngày nữa là ra đồng làm đất trồng rau, nhưng giờ trời nắng quá sợ gieo giống xuống cây mọc không nổi. Năm nay mưa quá ít, đất đai không được bồi đắp phù sa, sâu bệnh, chuột sinh sôi hoành hành, mùa màng thất thu là cái chắc", một nông dân ngụ xã Tịnh An (huyện Sơn Tịnh) lo ngại.
Nông dân miền Trung tăng cường tưới nước cho cây trồng chống hạn lịch sử. Nhận định thời tiết năm nay có phần khắc nghiệt, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN& PTNT Bình Định cho biết, nguy cơ hạn hán trong vụ Đông Xuân và cả năm 2013 sắp tới là rất lớn. Khoảng 3.300-4.300 ha lúa Đông Xuân nhiều khả năng bị thiếu nước. Bình Định đang lập kế hoạch phân phối nước tưới cho từng công trình hồ chứa, chỉ ưu tiên việc cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa giống, vùng lúa trọng điểm…
Trong khi đó tại Phú Yên, nhiều ngày qua, thủy điện Sông Ba Hạ không thể chạy máy phát điện vì nước hồ xuống sát mực chết. Ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ ngạc nhiên vì từ ngày thủy điện đi vào hoạt động, chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước bất thường như mùa mưa năm nay. "Lưu lượng nước về hồ chỉ 40-50 m3/giây, nếu chúng tôi chạy 50% công suất của hai tổ máy thì chỉ một ngày hồ sẽ xuống dưới mực nước chết", ông Tuần nói.
Cũng theo ông Tuần, thủy điện sông Ba Hạ không có nước chạy máy, không có nước để trả về sông Ba nên các trạm bơm ở vùng hạ lưu nằm bất động khiến hàng trăm ha lúa vụ Đông Xuân sắp tới có nguy cơ khô hạn nghiêm trọng. Đặc biệt nếu thủy điện sông Ba Hạ không trả nước về sông Ba thì nhà máy cấp nước ở huyện Sơn Hòa sẽ điêu đứng, gần 10.000 hộ dân nơi đây có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Nắng nóng, người dân huyện đảo Lý Sơn(Quảng Ngãi) phân công các thành viên gia đình thay phiên nhau chở can nhựa đi lấy nước ngọt ở giếng Só La về dùng trong sinh hoạt. Cùng cảnh ngộ, những ngày này hàng nghìn hộ dân sống ven sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang thấp thỏm lo âu vì tiết trời nắng nóng bất thường kéo dài. Nhiều thủy điện lớn trên địa bàn tích nước để phát điện càng khiến vùng hạ lưu thiếu nước nghiêm trọng.
Cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của gần 1,7 triệu dân vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn ở Quảng Nam và TP Đà Nẵng đang phụ thuộc nhiều vào lưu lượng nước xả về từ các thủy điện ở đầu nguồn. Thế nhưng hiện chưa có một ban quản lý lưu vực, chưa hoàn chỉnh quy trình vận hành hồ, liên hồ nên khi gặp khô hạn vùng hạ du chỉ còn biết đi cầu cứu Chính phủ, các bộ, ngành can thiệp.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho hay, việc chính quyền thường xuyên đi xin nước của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn như hiện nay là rất bất cập. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có ban quản lý lưu vực, chưa có sự giám sát khách quan nên không thể điều hành xả nước các nhà máy thủy điện.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hầu hết lượng mưa ở miền Trung do các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt gió mùa đông bắc tràn về. Năm nay miền Trung ít áp thấp nhiệt đới và gió mùa nên xảy ra khô hạn trái mùa và thiếu hụt mưa khoảng 50% so với trung bình nhiều năm. Dự báo từ nay đến cuối năm, khu vực miền Trung sẽ còn khô hạn vì chỉ còn một cơn áp thấp nhiệt đới.
Theo VNE