Trong một lần tham gia chuyến đi thiện nguyện, anh Lê Quang Sang (cán bộ Đề án đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân (TNCN) phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên) mong muốn bản thân có thể làm việc gì đó để giúp đỡ người khó khăn. Mong muốn làm việc thiện giúp đời của chàng trai trẻ càng trỗi dậy, anh quyết tâm lập ra “Nhà ăn 0 đồng” để mang đến bữa cơm chay miễn phí mỗi ngày cho người lao động nghèo…
Anh Lê Quang Sang trao phần cơm chay cho những người lao động nghèo
Những suất cơm chay ấm tình người
Đi trên đường ĐT747, đoạn thuộc phường Hội Nghĩa, rẽ vào con đường đất nhỏ là sẽ đến “Nhà ăn 0 đồng” (tổ 8, khu phố 3, phường Hội Nghĩa). Từ tháng 7-2020 đến nay, “Nhà ăn 0 đồng” đã trở thành địa điểm của nhiều người bán vé số, công nhân lao động ở trọ khó khăn, người lao động dân tộc nghèo ở địa phương. Nhà ăn phục vụ cơm chay miễn phí từ buổi sáng đến buổi trưa vào ngày thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Không chỉ là cơm “0 đồng” mà tại nhà ăn còn có nhiều phần quà được trao tay thường xuyên cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Một buổi sáng gặp anh Sang tại “Nhà ăn 0 đồng”, vừa trò chuyện, anh vừa nhanh tay gắp thức ăn và cơm vào hộp để kịp giờ chở đến nơi phát cho lao động nghèo. Đang trò chuyện với chúng tôi, anh nhận cuộc điện thoại với ánh mắt và nụ cười vui vẻ cùng lời cám ơn không ngớt vì có người gọi đến cho nhà ăn thêm rau củ quả. Hàng ngày, có từ 80 suất cơm canh chay được anh chở đến phát cho người lao động nghèo ở khu phố 1 và khu phố 3. Các phần cơm canh chuẩn bị xong được anh vội mang đi, còn tại nhà ăn, người lao động ra vào nhận cơm chay miễn phí mang về. Chở cơm đi phát xong, quay về nhà ăn, trên xe anh Sang chở theo một túi to chứa rau củ quả vừa được một chị ở chợ cho nhà ăn để tiếp tục chế biến thực phẩm vào ngày hôm sau.
Trò chuyện với chúng tôi, cầm trên tay túi cơm chay vừa được nhận, ông Nguyễn Văn Ngọt, người lao động ở trọ nói: “Cơm chay miễn phí đã giúp người lao động nghèo như tôi những bữa ăn no, đỡ việc chi tiêu để đủ tiền chi trả tiền thuê trọ và sinh hoạt hàng tháng”. Tại “Nhà ăn 0 đồng”, chị Nguyễn Thị Hương Giang quê ở Bình Phước, địu con phía trước người đến lấy cơm. Chị chia sẻ, vợ chồng chị hai bàn tay trắng xa quê tìm việc. Mấy tháng trước chồng chị bị tai nạn lao động không thể đi làm được, một mình chị làm công nhân cạo mủ cao su nên đời sống càng khó khăn hơn. Hàng ngày, chị Giang đến nhà ăn lấy cơm về dùng cho bữa trưa để giảm chi tiêu…
Anh Sang tâm sự: “Trong một lần đến nhà vận động đoàn viên thanh niên tham gia phong trào Đoàn địa phương, tôi có trò chuyện và bày tỏ muốn làm một nhà ăn chay miễn phí để giúp đỡ người dân với ông Phạm Văn Hùng là phụ huynh của đoàn viên thì nguyện vọng của hai chú cháu gặp nhau. Sau đó, cả hai quyết tâm thành lập ra “Nhà ăn 0 đồng” và đặt tại địa điểm nhà ông Hùng. Thời gian đầu chủ yếu là vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ. Dần dần, nhà ăn được mọi người biết đến với việc làm thiện nguyện nên nhiều cá nhân đến hỗ trợ các loại nhu yếu phẩm cần thiết”.
Động lực từ tâm
“Nhà ăn 0 đồng” duy trì hoạt động với số rau củ quả được anh Sang mang về từ nguồn rau miễn phí ở TP.Hồ Chí Minh. Hàng tuần vào ngày thứ hai và thứ tư, từ 7 giờ sáng, anh Sang chạy chiếc xe máy cũ xuống chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) để chở rau củ, về đến nhà ăn tầm khoảng 15 giờ chiều. Mỗi lần đi, anh chở từ 100 - 150kg rau củ các loại như cà rốt, mướp, cà nâu, bí đỏ, khổ qua, dưa leo, bắp cải… Mỗi chuyến đi chở rau tuy đường xa, chở nặng mệt nhọc nhưng khi nghĩ đến có thể giúp đỡ những người lao động nghèo thì anh luôn cảm thấy vui trong lòng…
Xuất thân từ gia đình lao động, anh Sang vừa là cán bộ Đề án đoàn kết tập hợp TNCN ở phường, vừa sắp xếp thời gian để đi dạy thêm. Việc đồng cảm với người khó khăn và tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đã trở thành tâm niệm của chàng trai trẻ ấy. Chính vì trân quý nếp sống cách nghĩ của anh Sang nên ông Phạm Văn Hùng đã ủng hộ niềm mong muốn đó và cùng với anh gầy dựng “Nhà ăn 0 đồng”. Lúc mới thành lập nhà ăn cũng có đôi “lời ra tiếng vào”, nhưng anh Sang hiểu được mình đang làm gì, mọi việc chủ yếu là ở cái tâm muốn được tận tay giúp đỡ người khó khăn bằng những bữa ăn chay. Nhìn những lao động nghèo có một bữa ăn miễn phí, đỡ lo toan vất vả, anh cảm nhận niềm vui và hạnh phúc hơn.
Vậy đó, động lực từ cái tâm đã thôi thúc anh Lê Quang Sang mỗi ngày làm việc ở nhà ăn với một tinh thần hoan hỉ. Lúc mới thành lập, anh Sang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, rồi đôi ba người thấy được việc làm ý nghĩa đã hỗ trợ dầu ăn, gạo, nước tương, nước mắm, bột nêm và rau củ quả. Cũng chính từ tấm lòng đó mà ngày càng có nhiều hơn những cá nhân hỗ trợ nhu yếu phẩm và bà con ở địa phương ủng hộ cũng tìm tới để tham gia giúp các công đoạn nấu ăn phục vụ miễn phí cho người khó khăn.
Mỗi ngày, nhà ăn có các món mặn, món xào và món canh. Thực đơn được thay đổi thường xuyên là để người ăn không ngán và được thưởng thức nhiều hơn các món chay khác nhau. Vào các ngày rằm, mùng một hay dịp lễ Vu lan và ngày tết, nhà ăn có thêm nhiều món ăn đa dạng. Bếp của “Nhà ăn 0 đồng” giờ chứa đầy các nhu yếu phẩm của mọi người hỗ trợ, nào là dầu ăn, nước tương, nước mắm, gạo, rau, hạt nêm, rau củ... Không ai bảo ai, bà con hàng xóm đến nhà ăn cùng chung tay nấu ăn, gói bánh chưng, bánh tét đông vui. Anh Sang cho biết: “Từ ngày thành lập đến nay, ngoài việc miễn phí bữa ăn chay hàng ngày, nhà ăn đã tổ chức được 5 lần trao tặng quà với hơn 40 phần và phát khoảng 7 tấn rau miễn phí để san sẻ, giúp đỡ kịp thời với người lao động nghèo”. Không những vậy, anh Sang còn nắm bắt hoàn cảnh khó khăn của những hộ nghèo ở địa phương để tìm đến trao các phần quà là nhu yếu phẩm…
Từ khi hình thành, “Nhà ăn 0 đồng” nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp của các nhà hảo tâm và đoàn thể địa phương. Bận rộn với công việc mỗi ngày nhưng với anh Sang đó là niềm vui khi được làm việc thiện, giúp đỡ người khó khăn. Bằng tinh thần của tuổi trẻ, thời gian qua, anh Sang luôn nhiệt huyết với việc làm này, kết nối các bạn đoàn viên thanh niên địa phương và các nhóm bạn trẻ nhiều nơi tham gia thiện nguyện tại nhà ăn. Hiện tại, mong ước của anh Sang là duy trì “Nhà ăn 0 đồng”, vì đây là “đứa con tinh thần” của chàng trai trẻ này. Tâm sự, tấm lòng và những việc làm thiện nguyện của một người trẻ như anh Lê Quang Sang là một sự thể hiện rõ nét nhất về truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Động lực từ cái tâm đã thôi thúc anh Lê Quang Sang mỗi ngày làm việc ở nhà ăn với một tinh thần hoan hỉ. Lúc mới thành lập, anh Sang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, rồi đôi ba người thấy được việc làm ý nghĩa đã hỗ trợ dầu ăn, gạo, nước tương, nước mắm, bột nêm và rau củ quả. Cũng chính từ tấm lòng đó mà ngày càng có nhiều hơn những cá nhân hỗ trợ nhu yếu phẩm và bà con ở địa phương ủng hộ cũng tìm tới để tham gia giúp các công đoạn nấu ăn phục vụ miễn phí cho người khó khăn. |
KIM TUYẾN