Chấp hành hình phạt tù và các loại hình phạt khác

Cập nhật: 08-12-2018 | 09:34:15

Hình phạt tù là hình phạt tước quyền tự do của người bị kết án, buộc họ phải cách ly cuộc sống bình thường của xã hội, sống trong một môi trường riêng biệt có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hình phạt tù bao gồm hình phạt tù có thời hạn và tù chung thân. Hình phạt tù có thời hạn ít nhất là 3 tháng, nhiều nhất khi tổng hợp hình phạt là không quá 30 năm. Người chấp hành hình phạt tù có thể được miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên hoặc được hoãn chấp hành, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo Điều 62, Điều 63, Điều 67 và Điều 68 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Cụ thể là:

Miễn chấp hành hình phạt là không buộc người bị kết án phải chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại (chưa chấp hành) của mức hình phạt đã tuyên. Theo Điều 63 BLHS 2015 miễn hình phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá;

- Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 3 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sau khi bị kết án đã lập công; mắc bệnh hiểm nghèo; chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

- Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 3 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;

- Người bị kết án phạt tù đến 3 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại;

- Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại;

- Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại;

Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định trên vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do tòa án tuyên trong bản án. (còn tiếp) 

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/ UBND-NC ngày 18-12-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2344
Quay lên trên