(BDO) Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý chất lượng, ATTP trong sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật; thông qua hoạt động kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, ngày 22-3-2023 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành Kế hoạch số 172/KH-CCTTBVTV về công tác bảo đảm ATTP năm 2023, trong đó có thực hiện nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thanh, kiểm tra về ATTP tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Thực hiện kế hoạch này, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra với thành phần gồm công chức các phòng chuyên môn trực thuộc chi cục. Các đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP đối với 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật trên địa bàn tỉnh.
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy có 3 cơ sở ngưng hoạt động; hầu hết các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, như: Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, vệ sinh cơ sở; thực hành nhân viên; giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và người lao động; các thủ tục về pháp lý trong quá trình hoạt động; cơ sở vật chất về bảo quản; xuất trình hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm thực phẩm đang kinh doanh, nguyên liệu thực phẩm dùng trong chế biến.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã xử phạt 2 cơ sở vi phạm quy định với tổng số tiền xử phạt 39.290.000 đồng. Nguyên nhân do cơ sở này không bố trí riêng biệt về nơi sơ chế, chế biến, đóng gói, thay bảo hộ lao động; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không lưu giữ hồ sơ và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình kinh doanh thực phẩm. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu tiêu hủy 300kg nguyên liệu hạt đậu tương liên quan đến vi phạm.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra còn lấy 9 mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP. Kết quả, có 5 mẫu đạt các chỉ tiêu ATTP, 4 mẫu chưa có kết luận cuối cùng.
Năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, truy xuất, xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn đối với 1 cơ sở trên địa bàn tỉnh đang kinh doanh thực phẩm tại tỉnh Tây Ninh (sản phẩm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh lấy mẫu giám sát và phát hiện không bảo đảm ATTP). Qua kiểm tra, cơ sở có 2 hành vi vi phạm là nhà xưởng không bố trí riêng biệt về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, đóng gói, thay bảo hộ lao động và không có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa, khử trùng phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay. Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 37 triệu đồng.
THOẠI PHƯƠNG - NGUYỄN TUYẾN