Chiếc bóng bên chồng

Cập nhật: 07-03-2015 | 08:37:52

 “Tôi rất muốn mọi người biết đến bà Lê Thị Xem, vợ ông Nguyễn Văn Tiết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Câu chuyện về cuộc đời bà đại diện cho hình ảnh phụ nữ Việt Nam đảm đang, chung thủy, là hậu phương vững chắc cho chồng trong kháng chiến”, ông Hà Văn Thăng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn lời.

Ông Nguyễn Minh Đức kể cho phóng viên nghe về cuộc đời bà Lê Thị Xem

Xuất giá tòng phu

Theo ghi chép của bà Hoàng Thị Vân, nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng: “Ngày 21-2-1981, chúng tôi - Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Sông Bé gồm có các đồng chí Nguyễn Minh Đức là Phó ban và tôi có đến nhà bà Tám Xem (tức Lê Thị Xem), vợ đồng chí Nguyễn Văn Tiết để tìm hiểu về bản thân, gia đình ông”. Trong tập tài liệu bà Vân ghi chép, xen lẫn hoạt động của ông Tiết có hình ảnh “bóng hồng” tần tảo, cả đời sống thờ chồng. “Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã để lại ấn tượng cho chúng tôi. Chúng tôi hy vọng, với đức tính của bà sẽ có nhiều phụ nữ học theo, sống chuẩn mực “công - dung - ngôn - hạnh”, bà Vân nói.

Ông Nguyễn Văn Tiết, SN 1909, tại xã Bình Nhâm, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là phường Bình Nhâm, TX.Thuận An). Từ năm 1938 đến 1940, ông cùng các đồng chí cấp ủy Đảng Thủ Dầu Một xây dựng, củng cố Chi bộ Lái Thiêu, Dầu Tiếng. Tháng 3-1946, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Ban Chấp hành lâm thời Thủ Dầu Một được công nhận chính thức và bầu ông làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tổng Thư ký Bộ Việt Minh. Tháng 9-1947, Quân khu 7 chỉ định ông làm Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một. Ngày 19-4-1948, ông cùng đoàn công tác đến ấp Bình Đức, xã Bình Hòa, huyện Lái Thiêu thì lọt vào ổ phục kích của Pháp. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, ông bị trúng đạn và hy sinh anh dũng. Sau giải phóng, hài cốt của ông được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ông được công nhận là liệt sĩ và được tặng thưởng “Huy hiệu Nam bộ Kháng chiến”. Hiện tại, liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết được thờ cùng 5 đảng viên tiền bối của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Thủ Dầu Một tại đền Bình Nhâm, TX.Thuận An.

Trích từ tài liệu, năm 1930- 1931, ông Tiết bị bắt ra Côn Đảo, do bị khảo tra, đánh đập thân thể suy yếu nên không thể có con. Dù địch tra tấn cỡ nào, ông vẫn kiên định không khai báo và tiếp tục dẫn dắt anh em bị cầm tù đứng dậy đấu tranh. Ngày ông trở về, vợ đi lấy chồng khác, mẹ ông khuyên “anh con đã hy sinh, con nên lấy vợ và ở nhà với mẹ”. Nghe lời mẹ, ông Tiết lấy vợ hai để có người phụng dưỡng mẹ, còn ông kiên định theo lý tưởng cách mạng. Cảm mến người thanh niên gan dạ, cô gái Lê Thị Xem đã chấp nhận về làm vợ ông.

Ngày vui chưa trọn vẹn, tối đến, giặc xông vào nhà bắt ông với tội “là cộng sản biệt xứ, nay trở về trái phép”. Chúng bắt giam ông ở Biên Hòa. Ở tù 1 tháng, ông kêu gọi anh em bỏ cơm ra ngoài để phản đối chế độ nhà tù. Trong thời gian ông ở tù, bà Xem may mướn kiếm tiền vào thăm ông. Sau khi được thả, chúng đưa ông xuống bót Catina (Sài Gòn) và bắt đi biệt xứ xuống Mỹ Tho không được trở về quê nhà. Nguyện là “chiếc bóng bên chồng”, bà theo ông xuống Mỹ Tho ở nhà ông Hồi (người bà con). Giặc không để ông yên, chúng bắt mỗi tuần phải lên trình diện 1 lần và liên tục dụ dỗ ông từ bỏ cách mạng nhưng chúng nhận lại là những cái “lắc đầu” dứt khoát. Thấy tình hình không ổn, ông chuyển lên xóm Vĩnh Hội (Sài Gòn) vào khoảng tháng 5-1939 để hoạt động cách mạng. Tại đây, bà Xem buôn bán để chồng yên tâm hoạt động.

Ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Sông Bé nói tiếp, bà Xem luôn khen chồng. Ông Tiết sống rất tình cảm, đối xử tốt với bạn bè. Ông từng lấy quần áo bà may đem cho đồng đội. Ông thường nói với bà: “Em sai với tôi cái gì cũng được nhưng đối với mẹ tôi, tôi không tha thứ”. Sống với người chồng chí tình với bạn bè, có hiếu với ba mẹ càng làm bà yêu ông nhiều hơn.

Ông Tiết hoạt động bí mật cả đối với vợ. Ông sợ khi bị bắt, không chịu nổi cực hình bà sẽ làm lộ hoạt động cách mạng. Ở xóm Vĩnh Hội một thời gian, ông về Rạch Bắp (Bến Cát) ở đậu nhà một người cháu và sinh sống bằng nghề sửa xe đạp. Bị theo dõi, ông dời về chợ Cầu Muối (Sài Gòn) năm 1941. Lúc này, bà Xem ở lại sửa xe đạp kiếm tiền. Một thời gian sau, bà theo chồng về Sài Gòn và tiếp tục sửa xe đạp. Năm 1945, ông Tiết trở về hoạt động ở quê nhà, bà bị mắc bệnh tim nặng phải ở lại Sài Gòn.

Tập tài liệu của Phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng ghi chép về cuộc đời bà Lê Thị Xem

Năm 1948, bà nhận được hung tin chồng hy sinh khi rơi vào ổ phục kích của địch. Bị giặc bắn ở bụng, ông rút súng bắn trả. Thấy ông bị thương, chúng cướp súng và bắn vào đầu. Ai cũng tiếc thương người đồng chí, người con ưu tú của Đảng đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng.

Nỗi đau chiến tranh để lại

Sau khi chồng hy sinh, mẹ chồng cũng qua đời. Thân thế không còn ai, bà Xem đi theo lực lượng cách mạng do ông Tô Ký lãnh đạo tại Sài Gòn (Thiếu tướng Tô Ký, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh đội trưởng Sài Gòn - Gia Định) làm nghề may mướn để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Năm 1958, bà chuyển về sống tại Bình Nhâm, TX.Thuận An với căn bệnh nặng chỉ nằm chờ chết. Thương bà, một người đàn ông bị câm, điếc đã nhận chăm sóc.

Bà giải thích với các thành viên Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, bà không muốn người đời chê bai “không giữ tiết với chồng”. Thế nhưng, một thân một mình lại bệnh nặng nên muốn “gửi xác” khi chết có người cúng cơm. Bản thân bà cũng đã vượt qua khỏi tang chế theo đúng tục cũ, sau 3 năm chồng chết người phụ nữ có quyền tái giá. Sau khi giải phóng, bà nhận được huân chương của ông Nguyễn Văn Tiết và thờ cúng ông suốt một đời. Cuộc sống với người chồng sau vô cùng khó khăn nhưng bà không bao giờ than vãn. Bà cũng không xin bất kỳ chế độ cho mình. Bởi bà biết, ở thời đó, vợ liệt sĩ tái giá sẽ không được công nhận.

Ông Nguyễn Minh Đức kể lại: “Ngày chúng tôi đến thăm bà, nhà nghèo đến nỗi chỉ còn đúng 2 lon gạo nấu buổi chiều. Trên chiếc giường có mỗi 1 chiếc chăn (mền) đơn đã cũ. Bà mời chúng tôi ở lại ăn bữa cơm với mớ rau ngoài vườn, con cá hàng xóm cho khiến ai cũng rơi nước mắt. Tôi đã liên hệ với ông Tiêu Như Thủy (thời đó là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sông Bé) tặng bà 1 chiếc mền đôi, 100.000 đồng”.

Qua câu chuyện bà Xem, chúng tôi đến phường Bình Nhâm để tìm lại căn nhà cũ của bà. Thế nhưng, căn nhà đã được xây dựng lại và cho thuê. Không ai biết người đang thờ cúng ông Tiết, bà Xem. Bà Nguyễn Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Bình Nhân nói, trong lịch sử phường có viết về ông Tiết nhưng không nghe nói về vợ ông. Tên của ông có trong danh sách liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp thờ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ của phường. Qua lời các lão thành cách mạng, bà Xem đã chết rất lâu nên không ai còn nhớ gì về bà. Họ chỉ biết, ngôi nhà nơi bà ở đã để lại cho con người cháu nuôi. Bà Hiền nói thêm, Đảng ủy phường sẽ liên hệ tìm hiểu thêm về liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết, người thờ cúng ông để thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

Ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Sông Bé: Bà Xem là người phụ nữ tuyệt vời, cả cuộc đời âm thầm theo chồng. Trước đây vợ liệt sĩ tái giá không được hưởng các chính sách. Sau này, những người vợ, mẹ liệt sĩ tái giá đã được hưởng chế độ. Có lẽ giờ đây hương hồn của bà Xem đã vui lòng khi những người phụ nữ như mình đã được công nhận.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1852
Quay lên trên