Chiến dịch ngăn chặn bom hạt nhân của phát xít Đức

Cập nhật: 16-11-2016 | 14:48:46

Thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã cử một nhóm đặc nhiệm bí mật tới Na Uy để phá hủy nhà máy sản xuất nước nặng của phát xít Đức, ngăn chặn Adolf Hitler chế tạo bom nguyên tử. Kế hoạch bất khả thi này đã được kể lại nghẹt thở qua một cuốn sách mới của tác giả Damie Lewis.

Joachim Ronneberg bò dọc lối đi hẹp, thở hổn hển trong không gian ngột ngạt, hôi hám. Anh lê thân người trên một đám dây cáp chằng chịt bên dưới. Trần ống thấp đến mức dường như nó sắp đè xuống đầu và vai. Còn bao xa nữa, liệu anh có ra nổi không? Nhưng đường ống đặt dây cáp này là cách duy nhất mà anh có thể thực hiện để xâm nhập vào tòa nhà tối mật, được canh gác dày đặc ở khu vực hoang dã, băng giá ở Na Uy mà quân phát xít Đức chiếm đóng. Anh tiếp tục lết đi, hi vọng mình còn đủ may mắn.

Joachim Ronneberg và đội thuộc Cục Chiến địch đặc biệt của Anh (Special Operations Executive) đã được giao một nhiệm vụ bất khả thi - nhảy dù xuống Na Uy trong mùa đông lạnh buốt đến mức hơi thở đóng băng ngay ở mũi. Họ đã đi bộ hàng ki lô mét đường núi phủ tuyết trắng xóa, vượt qua những vách núi hiểm nguy. Và giờ đây, họ đã ở bên trong một nhà máy công nghiệp khổng lồ, kiên cố như một pháo đài để phá hủy nó.

Cho tới giờ phút đó, họ chưa bị phát hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp bị lộ, một nửa đội đã sẵn sàng chĩa súng vào cánh cửa của doanh trại liền kề, nơi hàng chục binh lính Đức ở vào ban đêm. Chúng không hay biết tòa nhà quan trọng về mặt chiến lược đang bị tấn công.

Ronneberg 22 tuổi, một thanh niên khỏe mạnh đã vượt Biển Bắc trốn sang Anh khi đất nước bị xâm lược năm 1940, đã dẫn dắt cả đội tới mục tiêu là một dãy các xy lanh và bể chứa thép tưởng như vô hại. Khi anh nhích từng bước dọc đường ống, anh có thể nhìn thấy chúng bên dưới đống ống. Ở đó, chỉ có một lính gác đang ngồi yên lặng cạnh bàn. Đột nhiên, một tiếng động lớn phá tan không gian im lặng. Người bò ngay sau Ronneberg đã làm rơi khẩu súng xuống đường ống. Cả hai sợ cứng người.

Giây phút đó chính là thời khắc quyết định của tương lai toàn nhân loại. Tác giả Damie Lewis đã kể lại trong cuốn sách mới lôi cuốn "Hunting Hitler's Nukes: The Secret Race to Stop the Nazi Bomb" (Truy tìm hạt nhân của Hitler: Cuộc chạy đua bí mật ngăn quả bom phát xít).


Nhóm SOE thực hiện nhiệm vụ bất khả thi ở Na Uy. Ronneberg là người ngoài cùng bên phải ở hàng sau.

Các bể chứa mà Ronneberg và nhóm đang mạo hiểm để phá hủy chứa nước nặng, một thành phần trong quá trình sản xuất năng lượng hạt nhân. Các nhà khoa học Đức đang làm theo lệnh của Hitler để phát triển một quả bom nguyên tử - một siêu vũ khí có thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh. Họ phụ thuộc vào nguồn cung nước nặng quý giá được sản xuất bằng phương pháp điện phân tại nhà máy thủy điện Vemork ở Telemark, vùng núi hẻo lánh ở miền nam Na Uy.

Sứ mệnh khẩn cấp

Lúc đó, tháng 2-1943, Thủ tướng Anh Winston Churchill rất lo lắng khi ý thức rằng quân Đồng minh đang chậm tới 2 năm so với người Đức trong nghiên cứu hạt nhân. Ông đã cử một đội đi phá hủy công trình nghiên cứu của người Đức. Sứ mệnh khẩn cấp này do Ronneberg dẫn đầu. Thời gian đang dần cạn. Nhiệm vụ của họ là quét sạch kho nước nặng và phá hủy nhà máy. Nếu họ thất bại, hậu quả sẽ là khủng khiếp với toàn thế giới.

Trước đây, nhiều nỗ lực phá hủy nhà máy sản xuất nước nặng này đã thất bại, gây ra cái chết cho nhiều người. Kế hoạch dội bom đã bị loại bỏ vì địa hình núi non nên khó thực hiện.

Trước chiến dịch của Ronneberg 4 tháng, người Anh đã cử một trung đội lính biệt kích thuộc đội Kỹ sư Hoàng gia để phá nhà máy trong một chiến dịch dùng tàu lượn. Do quá tham vọng nên chiến dịch đã thất bại khi gặp thời tiết xấu và vấn đề kỹ thuật. Các tàu lượn bị rơi, giết chết phần lớn người tham gia.

Những người sống sót bị người Đức bắt, tra tấn và bắn chết. Giờ đây, chúng càng tăng cường cảnh giác và an ninh tại nhà máy. Chúng đặt mìn, bẫy, lắp hàng rào điện khắp nơi và điều thêm binh sĩ canh gác.

Sau chiến dịch đổ bể trên, đội đặc nhiệm bí mật thuộc SOE của Thủ tướng Churchill đã được giao nhiệm vụ khó khăn này. Ronneberg, một chàng trai cao hơn 1,8 mét, nhanh trí, khỏe mạnh, căm thù quân Đức vì đã chiếm đóng quê nhà Na Uy là một lựa chọn nổi bật để chỉ huy chiến dịch Gunnerside. Ronneberg chọn 5 người đi cùng mình, đều là những người Na Uy cứng cỏi và quyết tâm không kém. Họ được phát các viên thuốc xyanua phòng khi bị bắt sẽ dùng để tự tử.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, họ chuẩn bị thực hiện kế hoạch một cách tốt nhất có thể, tập luyện kiệt sức với mô hình nhà máy và nhận báo cáo chi tiết từ một tay trong là một người Na Uy làm kỹ sư cấp cao tại Vemork và biết tường tận nhà máy. Chính kỹ sư này đã cho Ronneberg biết về đường ống đựng dây cáp đủ rộng để người có thể chui lọt.

Tuy nhiên, kế hoạch khẩn cấp đến mức ngay cả khi cả nhóm đã ngồi trên máy bay tới Na Uy, họ vẫn không có trong đầu một kế hoạch rõ ràng về cách đột nhập nhà máy. Mọi việc giống như bắn súng trong màn đêm đen đặc.

Trên bầu trời Na Uy, cả nhóm nhảy dù xuống vùng núi đầy tuyết Hardanger. 6 con người cùng 11 hòm súng, thiết bị trượt tuyết, ván trượt, túi ngủ. Cả cuộc chiến phải phụ thuộc vào mấy trang thiết bị khiêm tốn này.

Khởi đầu của nhóm không nhiều hứa hẹn. Trong năm ngày đầu tiên, họ phải vật lộn để tồn tại trong một cái lều cách vị trí nhảy dù gần 2km trong thời tiết khắc nghiệt, tầm nhìn bằng không, nhiệt độ -10 độ C. Không có bão tuyết thì họ cũng đã di chuyển tới mục tiêu chậm hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, họ chỉ mất vài giờ trượt tuyết liên tục là tới được mục tiêu cách đó 48 km. Tại đó, họ gặp đội tiền trạm đã tới khu vực này hàng tháng trước, kể từ khi chiến dịch tàu lượn thất bại. Nhóm tiền trạm đã sống trong điều kiện khắc nghiệt nhất để chờ dẫn đường cho nhóm của Ronneberg tới nhà máy.

Mọi người trong nhóm Ronneberg hốc hác và kiệt sức nhưng ít nhất còn bảo toàn được lực lượng. Tuy nhiên, họ vẫn còn phải quyết định xem sẽ vào trong nhà máy pháo đài này bằng cách nào. Điều họ biết chắc là đường vào từ trên, thông qua cầu treo bắc qua khe núi được canh gác cẩn mật. Ngay cả một tiểu đoàn cũng sẽ không thể ập vào theo lối này.

Còn cách tiếp cận từ bên dưới đã được tính đến. Tức là, họ sẽ leo lên vách núi cao gần 200 mét, tới nơi nhà máy được xây dựng ở đỉnh. Ở đó, có một đường tàu hỏa nhỏ để chuyển đồ tiếp tế và họ sẽ vào từ đây thông qua cửa hậu và không ai ngờ tới.

Đây là cách bất khả thi nhưng là lựa chọn duy nhất. Họ biết chỉ cần vào được nhà máy và làm xong việc đã là thành công. Còn chuyện thoát ra sống sót là điều không được tính tới. Ai cũng hiểu không còn đường quay lại.

Diễn biến nghẹt thở

Vào một đêm trăng sáng, 9 người trong nhóm đã trượt tuyết và tới hẻm núi bên dưới nhà máy, vượt qua dòng sông băng và đối diện với vách đá trơn trượt. Nước nhỏ tong tỏng xuống mặt, vách núi hầu như không có các khe để làm chỗ bám tay và các bụi cây thì quá thưa thớt. Thế nhưng, điều kỳ diệu là họ đã leo lên được, không một lần ngoái nhìn xuống, cho dù khi lên tới đường tàu không có người gác. Ai cũng bầm dập, tả tơi. Bước đầu tiên trong kế hoạch bất khả thi vậy là đã hoàn thành.


Hình ảnh các thành viên SOE tham gia chiến dịch trong bộ phim “Heroes of Telemark”.

Tiếp đó, cả nhóm bò hơn nửa cây số dọc rìa tường cửa sau của nhà máy Vemork, bò theo hướng máy móc kêu ngày càng to bên trong. Từ xa, họ có thể thấy ánh sáng và lính Đức tuần tra ở khu vực cây cầu treo và thậm chí còn nghe thấy chúng tán gẫu. Đằng sau nhà máy, không có ai cản đường họ ngoài đám dây xích mà chỉ cần dùng máy cắt bu lông là nhanh chóng mở được. Họ đã vào trong nhà máy.

Sau khi cử người giám sát doanh trại Đức, Ronneberg tới cửa tòa nhà điện phân nơi sản xuất nước nặng. Anh thử xoay tay nắm cửa nhưng nó bị khóa. Anh định dùng lựu đạn để mở nhưng nhận ra tiếng nổ sẽ khiến họ bị lộ. Ronneberg chợt nhớ ra đường ống đựng cáp và tìm kiếm. Anh phát hiện thấy một chiếc thang kim loại dẫn tới một cửa sập trên tường. Biết chắc đó là thứ mình tìm, anh đã trèo lên vào bò vào đường ống.

Khi khẩu súng mà đồng đội làm rơi phát ra âm thanh chói tai như kể trên, Ronneberg đoán rằng người lính gác bên dưới đã nghe thấy. May thay, hắn ta không chú ý gì vì máy móc trong nhà máy gây ra đủ loại âm thanh kỳ lạ và hắn sẽ phát điên nếu thấy tiếng động lạ nào cũng đi kiểm tra.

Ronneberg bò tiếp cho đến khi tới cuối đường ống, thả mình xuống cửa sập bên dưới phòng điều khiển, súng cầm chắc trong tay. Người lính gác, một công nhân dân sự Na Uy, trố mắt nhìn và giơ hai tay lên trên xin hàng.

Ronneberg tiếp tục công việc, vớ lấy hàng mớ ống thuốc nổ từ túi và nhanh chóng đặt quanh khu vực điện phân. Tuy nhiên, anh không biết nên dùng ngòi nổ nào. Ngòi nổ 2 phút sẽ giúp anh có đủ thời gian để ra khỏi nhà máy nhưng cũng tạo điều kiện cho lính Đức nhận ra điều gì đang xảy ra và dập tắt lửa kịp thời. Ronneberg chọn ngòi nổ 30 giây. Anh có thể chết nhưng ít nhất cũng làm xong việc.

Khi sắp đặt mọi thứ xong xuôi, Ronneberg đẩy người lính Na Uy ra khỏi cửa, cúi xuống chuẩn bị bật diêm châm ngòi nổ. Người lính chợt kêu lên bảo Ronneberg dừng lại vì đã bỏ quên kính trên bàn. Ronneberg lao đi lấy kính. Chính anh cũng ngạc nhiên vì sứ mệnh tối quan trọng với quốc gia và quốc tế đang có nguy cơ đổ bể chỉ vì một cặp kính và lòng tốt. Nhưng anh cũng biết người Đức đã chiếm mọi cơ sở sản xuất kính ở Na Uy và người lính này không có cách nào tìm kính thay thế trong thời gian sớm.

Sau khi lấy xong kính cho người canh gác, Ronneberg châm lửa kíp nổ và chạy thục mạng. Đằng sau anh, phòng sản xuất nước nặng chìm trong lửa. Điều ngạc nhiên là không thấy quân Đức phản ứng gì. Những bức tường khổng lồ và cửa thép đã ngăn âm thanh tiếng nổ. Một tên lính ra ngoài, đảo mắt xung quanh nhưng không thấy điều gì bất thường và lại vào trong doanh trại.

Thành công khó tin

Nhóm của Ronneberg tập hợp lại. Họ không thể tin nổi vận may trong lúc nhanh chóng quay trở lại đường ray. Họ đã vào và ra khỏi nhà máy sau khi làm nổ tung khu vực sản xuất nước nặng thành từng mảnh mà những kẻ bảo vệ không hay biết. Chỉ khi họ trèo xuống vách núi, họ mới nghe thấy tiếng còi báo động vang lên.

Trong nhà máy, lính Đức sốc khi nhìn thấy những xy lanh thép bị phá hủy, ống nước vỡ tung tóe. Nước nặng tràn ra khắp nơi. Trong lúc đó, nhóm của Ronneberg tiếp tục chạy, băng qua sông băng đang bắt đầu tan chảy. May mắn vẫn mỉm cười với họ. Khi dừng lại và nhìn về phía nhà máy, Ronneberg có thể nhìn thấy quân tiếp viện Đức đổ vào nhà máy Vemork. Ánh đèn pin quét khắp khu vực gần đó. Chúng bắt đầu săn tìm thủ phạm nhưng những anh hùng SOE đã trốn cách đó một giờ đồng hồ. Họ nhanh chóng tìm đồ trượt tuyết, lao vào đêm tối tới khu vực Hardanger. Bão tuyết đã che phủ mọi dấu vết của họ. Họ đã an toàn.

Nhiệm vụ bất khả thi đã hoàn thành. Từ Na Uy, một tin nhắn được gửi tới London: "Chiến dịch thành công 100%. Nhà máy đã bị phá hủy hoàn toàn. Người Đức không biết kẻ địch đến từ đâu và đã biến đi đâu".

Các chuyên gia đảm bảo với Thủ tướng Churchill rằng quân Đức sẽ mất nhiều tháng nữa mới có thể nối lại hoạt động sản xuất nước nặng. Ông Churchill thở phào nhẹ nhõm. Kế hoạch hạt nhân của Hitler vậy là đã bị đổ bể. Ít nhất là vào lúc này. Giấc mơ hạt nhân của Hitler vỡ vụn thành từng mảnh. Điều đáng nói là toàn bộ thành viên nhóm Ronneberg đều sống sót. Sau này, họ được vinh danh trong bộ phim "Heroes of Telemark" do Anh sản xuất năm 1965.

Ngay cả quân Đức cũng ấn tượng trước sự táo bạo, liều lĩnh và thành công của chiến dịch. Tướng Von Falkenhorst của Đức đã gọi nhóm Ronneberg là "găngxtơ người Anh", nhưng phải thừa nhận rằng họ đã thực hiện một "vụ phi thường nhất mà tôi từng chứng kiến trong cuộc chiến này".

Theo TTXVN 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1266
Quay lên trên