Thượng tầng chính trị Hàn Quốc chao đảo vì một bà “phù thủy”

Cập nhật: 05-11-2016 | 15:59:31

Chính trường Hàn Quốc đang chịu một “trận bão” lớn quét qua và có nhiều khả năng sẽ bứng đi nhiều “cây cổ thụ”, trong đó đáng kể nhất là đương kim Tổng thống Park Geun-hye. Tất cả đều bắt nguồn từ sự can thiệp của một người đàn bà “phủ thủy”.

Mọi chuyện bắt đầu kể từ tuần trước khi các tài liệu mật bị tiết lộ nói rằng bà Park Geun-hye bị một người phụ nữ khác đứng đằng sau điều khiển. Trong một buổi truyền hình trực tiếp phát sóng trên toàn quốc hôm 25-10, Tổng thống Park công khai về mối quan hệ thân thiết với người phụ nữ trên và nói rằng bà từng được người phụ nữ kia giúp đỡ “khi gặp khó khăn” trong quá khứ.

Chẳng hạn Tổng thống Park đã tham khảo về các bài phát biểu và các vấn đề quan hệ công chúng trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2012 và trong một khoảng thời gian không xác định sau khi bà Park tuyên thệ nhậm chức vào năm 2013.

Điều đáng nói là người phụ nữ bí mật trên không hề nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong Chính phủ Hàn Quốc. Chính điều này đã khiến cho giới truyền thông ngờ rằng người phụ nữ này còn đứng đằng sau can thiệp vào nhiều vấn đề quan trọng khác của nhà nước.

Tuyên bố của Tổng thống Park hôm 25-10 ngay lập tức lên các mặt báo lớn và cả các kênh truyền hình trong nước. Nhiều người dân Hàn Quốc còn tin rằng lời thú nhận của bà Park mới chỉ là phần nổi của một tảng băng, và rằng người đàn bà kia đã dính líu rất sâu vào các công việc của chính phủ từ hậu trường.


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cúi đầu xin lỗi người dân ngày 25-10.

Lời thú nhận của Tổng thống Hàn Quốc không những không thể trấn an dư luận, mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn liên quan tới vai trò của một người ngoài trong chính phủ của bà Park. Lời thú nhận trên dường như còn làm trầm trọng hơn những chỉ trích trước đây cho rằng bà Park không minh bạch trong việc điều hành.

Ngay sau khi vụ việc vỡ lở, người đàn bà bí mật sau lưng Tổng thống Park đã trốn sang Đức. Nhưng đến ngày 30-10, bà này trở về Hàn Quốc. Vậy người đàn bà này là ai mà khiến cả hệ thống chính trị ở Seoul phải chao đảo? Theo báo chí Hàn Quốc, người từng bí mật “giúp” Tổng thống Park trong nhiều năm qua chính là Choi Soon-sil, người chị em thân thiết của bà Park.

Choi Soon Sil được mệnh danh là “Raspoutine Hàn Quốc” - tên của một cố vấn Nga có ảnh hưởng trong triều đình của Hoàng đế Nicolas đệ nhị và góp phần làm sụp đổ triều đại Romanov ở Nga hồi đầu thế kỷ 20.

Choi Soon-sil là con gái ông Choi Tae-min, người sáng lập một giáo phái bí ẩn có tư tưởng trộn lẫn giữa Phật giáo, Thiên Chúa giáo và tín ngưỡng bản địa. Năm 1974, thời điểm cha bà Park Geun-hye là Tổng thống Park Chung-hee còn cầm quyền, bi kịch ập đến khi mẹ của bà bị ám sát.

Chưa rõ bằng cách nào nhưng ông Choi đã tiếp cận được nữ tổng thống tương lai ngay lúc bà đang đau buồn nhất. Ông này tuyên bố đã “được linh hồn đệ nhất phu nhân Yuk Young-soo báo mộng để nhờ giúp đỡ con gái bà”. Thế là ông Choi trở thành cố vấn thân cận, luôn theo sát bà Park trong mọi hoạt động.

Ngay trong giai đoạn thập niên 1970, giới tình báo Hàn Quốc đã hết sức lo ngại và cáo buộc giáo chủ Choi là kẻ lừa đảo, lợi dụng quan hệ với con gái tổng thống để trục lợi và đã gom được khối tài sản khổng lồ. Năm 1979, đến lượt Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát và thủ phạm chính là Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc Kim Jae-gyu.

Theo AFP, ông Kim tuyên bố trước tòa rằng một trong những lý do ra tay là vì Tổng thống Park không ngăn cản ông Choi thao túng con gái và trục lợi bất chính từ quốc gia.

Bi kịch ập đến liên tục khiến bà Park Geun-hye càng tin tưởng vào sự hỗ trợ của giáo chủ Choi. Khi ông này qua đời năm 1994 ở tuổi 82 thì đến lượt bà Choi Soon-sil thế chỗ cha với ảnh hưởng được cho là còn lớn hơn, vì cả hai cùng là phụ nữ nên càng dễ gần gũi, tâm sự.

Choi Soon-sil dường như cũng có tài “mê hoặc” như cha theo nhận định của dân biểu Woo Sang Ho, chủ tịch nhóm dân biểu đối lập quan trọng nhất Minjoo. Chủ tịch đảng Minjoo, bà Choo Mi Ae lo ngại Hàn Quốc đang do “một thế lực thần quyền đáng sợ” điều hành.

Điều đáng nói là dù không nắm giữ bất cứ vị trí nào trong chính phủ, nhưng bà Choi Soon-sil bị cáo buộc là có ảnh hưởng rất lớn đối với cá nhân tổng thống và chính sách của nhà nước. Theo nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh, có tin đồn bà Choi đã lập ra một đảng phái có tên gọi “Bát tiên” để điều hành công việc của chính phủ và bà Park đã thay đổi con dấu của Cục Tình báo quốc gia thành hình rồng - biểu tượng của đảng phái này.


Người Hàn Quốc biểu tình đòi Tổng thống Park từ chức ngày 27-10.

Lee Sung-han, phụ tá thân cận của bà Choi, cho báo Hankyoreh biết rằng người phụ nữ 60 tuổi này đã nhận và xem xét các tập tài liệu dày khoảng 30 cm của tổng thống từ Nhà Xanh gần như hàng ngày. Bà Choi được cho là đã sử dụng các tài liệu trên trong những cuộc họp ở hậu trường để thảo luận về tất cả các lĩnh vực của chính phủ.

"Bà Choi thường gặp các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau tại văn phòng ở Nonhyeon (một khu phố ở Seoul) để thảo luận về lịch trình sắp tới của tổng thống và các vấn đề chính sách quốc gia", ông Lee cho biết. "Bà ấy có một số cuộc họp cho các chủ đề khác nhau - đó là một kiểu cuộc họp tư vấn cho tổng thống", ông nói thêm. Chính ông Lee đã tham dự những cuộc họp kiểu này vài lần. Số người tham dự thường từ 2 đến 5 người và thay đổi tùy theo yêu cầu của từng cuộc họp.

Theo ông Lee, các gói tài liệu bao gồm tất cả mọi thứ mà các thư ký cao cấp của Nhà Xanh báo cáo với tổng thống. Chúng được đưa tới văn phòng của bà Choi gần như hàng tối bởi Jeong Ho-seong, người đứng đầu nhóm thư ký riêng của tổng thống ở Nhà Xanh.

Ông Lee mô tả bà Choi sẽ “quăng ra một mớ tài liệu tại cuộc họp” và yêu cầu nhóm cố vấn đọc chúng mà không giải thích gì nhiều, sau đó ra lệnh cho họ “làm thế này” hay “làm thế kia”. “Chúng tôi sẽ lắng nghe cô ấy rồi phác thảo các bản kế hoạch, sau đó những phác thảo này được chuyển lại cho chúng tôi như là tài liệu của Nhà Xanh, gần như không thay đổi gì nhiều”, ông Lee cho hay.

Mọi sự điều hành ngầm của bà Choi sẽ không bị phanh phui nếu không có tố cáo chuyện bà lạm dụng sự quen biết để trục lợi. Rắc rối bắt đầu tháng 10-2015 khi Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) lập ra Quỹ Mir để quảng bá văn hóa Hàn. 3 tháng sau đó, Quỹ K-Sports được thành lập để thúc đẩy thể thao Hàn Quốc.

Các tin đồn nổi lên khi có thông tin tiết lộ Mir đã gây quỹ được 42,8 triệu USD chỉ trong 2 ngày và K-Sports đã huy động được 25,4 triệu USD trong chưa đầy 6 ngày. Bà Choi, người thực sự đã tự tạo ra 2 tổ chức này, bị cáo buộc đã sử dụng các mối quan hệ với bà Park để uy hiếp các tập đoàn như Samsung Electronics, Hyundai Motor và LG Group đóng góp những khoản tiền xa xỉ kể trên.

Tất cả những phanh phui trên của báo chí Hàn Quốc đã khiến dư luận nước này sôi sục trong tuần qua. Người đàn bà “phù thủy” Choi Soon-sil ngày 30-10 đã trở về Hàn Quốc. Luật sư của bà cùng ngày cho hay: “Bà Choi sẽ chủ động hợp tác với các công tố viên và sẽ khai đúng theo sự thật. Bà ấy rất hối hận vì đã gây ra sự thất vọng trong công chúng”.

Ngày 31-10, bà Choi đã có mặt tại Văn phòng Công tố viên quận Trung tâm Seoul để trả lời các câu hỏi liên quan đến cáo buộc can thiệp vào công việc nhà nước và trục lợi cá nhân. Nhưng dân Hàn Quốc muốn nắm kẻ “có tóc”. Hôm Thứ bảy (29-10) khoảng từ 20.000 và 30.0000 người đã biểu tình tại Seoul, đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Nhiều tấm biển vẽ hình tổng thống như là một con rối trong tay Choi Soon-sil.

Các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra tại một số tỉnh thành phố, trong đó có Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Nhiều cảnh sát chống bạo động đã được huy động để giữ gìn trật tự khi có không ít người biểu tình quá khích cố gắng vượt hàng rào để vào trụ sở Tổng thống.


Choi Sool-sil.

Hãng tin Yonhap cho biết thêm, hôm 29-10, các nhà điều tra đã lục soát nhà riêng và văn phòng của nhiều cố vấn cao cấp của Tổng thống Hàn Quốc kể cả tại Phủ Tổng thống, thu giữ nhiều máy tính và hồ sơ.

Nhằm trấn an dư luận, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 28-10 cho biết, Tổng thống Park Geun-hye đã yêu cầu một số quan chức cấp cao trong nội các của bà phải từ chức và bà cam kết sẽ cải tổ nội các trong thời gian tới. Nhưng điều đó cũng chưa đủ. Ngay cả chính đảng cầm quyền của bà đang yêu cầu thành lập một chính phủ song đảng, nghĩa là các vị trí bộ trưởng sẽ do hai chính đảng nắm giữ và như vậy, bà có thể bị gạt khỏi quyền lực, trên thực tế.

Văn phòng Tổng thống cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan công tố trong hoạt động điều tra liên quan những cáo buộc người bạn thân của bà gây ảnh hưởng không phù hợp đối với bà. Vụ việc cũng đã khiến Chánh Văn phòng của Tổng thống, ông Lee Won-jong đệ đơn từ chức trước đó ít ngày.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng thêm nền kinh tế đối mặt nguy cơ khủng hoảng từ bê bối của hàng loạt tập đoàn lớn, việc tiết lộ một “bà đồng” điều khiển Tổng thống Park Geun Hye đang đẩy chính quyền Park Geun Hye đứng bên bờ vực của sự sụp đổ.

Theo các cuộc thăm dò mới nhất, tỷ lệ ủng hộ đối với bà Park đang ở mức thấp kỉ lục. Theo Bộ phận nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Viện Gallup (Mỹ), tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Park Geun Hye từ tuần trước đã giảm 8% và hiện đang ở mức 17% - mức thấp nhất kể từ khi bà Park trở thành nữ chủ nhân của Nhà Xanh. Trong khi đó, tỷ lệ bất tín nhiệm bà Park Geun Hye lại tăng thêm 10%, chiếm 74% số người được hỏi.

Theo giới quan sát, ngay cả khi đã cúi đầu xin lỗi người dân, yêu cầu hàng loạt nhân vật thân tín từ chức, gấp rút cải tổ nội các, dường như Tổng thống Park Geun Hye khó có thể cứu vãn được cuộc khủng hoảng đang đe dọa số phận chính trị của nữ chính khách này. Theo AFP, Tổng thống Park Geun Hye đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ.

Bà Park hiện đang ở năm thứ tư cầm quyền trong nhiệm kỳ 5 năm của bà, và vụ bê bối có thể sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới khả năng điều hành đất nước của bà và cả hình ảnh của bà trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong năm sau. Theo Hiến pháp của Hàn Quốc, bà Park không thể tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong một diễn biến mới nhất, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 31-10 có cuộc họp với lãnh đạo các nhóm nghị sỹ tại cơ quan lập pháp này, tuy nhiên vẫn chưa thể tìm được giải pháp cho vụ bê bối trên chính trường Hàn Quốc hiện nay.

Một trong những trở ngại là việc đảng Saenuri đề nghị thành lập một nội các trung lập để xoa dịu sự tức giận của công chúng đối với Phủ Tổng thống, trong khi các đảng đối lập yêu cầu trước tiên phải điều tra kỹ lưỡng vụ việc. Ngoài ra, các bên cũng có những quan điểm trái chiều đối với việc tiến hành cuộc điều tra đặc biệt này.

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng chính trị này sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới và đe dọa ảnh hưởng nặng nề tới uy tín cũng như khả năng đưa ra các quyết sách của bà Park Geun Hye, trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như an ninh, kinh tế, mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên, đà tăng trưởng kinh tế thấp và xuất khẩu giảm. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1201
Quay lên trên