Chiến khu xưa nay là vùng đất hứa... Bài 5

Cập nhật: 25-08-2018 | 06:29:07

 Bài 5: Tam giác sắt vươn mình

Tam giác sắt - một địa danh oai hùng, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng. Trong những tháng năm chiến tranh ác liệt, vùng Tam giác sắt có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với lực lượng cách mạng. Và vùng đất Tam giác sắt hôm nay đang tràn đầy nhựa sống, vươn mình phát triển mạnh mẽ.

 Ý chí thép

Vùng Tam giác sắt gồm 3 xã An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam của TX.Bến Cát. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát này đã sớm nổi danh với Chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ miền Đông, Xứ ủy Nam bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định… Nhờ đó mà người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta. Vào năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Đây là một công trình độc đáo, chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở nơi khác để giữ bí mật địa đạo đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu, là biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực của quân dân. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng. Với hệ thống địa đạo dài gần 100km, khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm… địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ. Từ căn cứ này, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực dùng làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ thù trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Lê Hồng Phong (năm 1950); những trận phục kích đánh địch trên đường 14; đánh các cuộc càn “Phong hỏa”, “Át-tăng-bơ-rơ”, “Xê-đa-phôn”…

Hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã An Tây, An Điền, Phú An ngày càng hoàn thiện. Trong ảnh: Một góc đô thị tại ngã tư Phú Thứ, xã Phú An, TX.Bến Cát. Ảnh: C.SƠN

Trong thời kỳ kháng chiến, kẻ thù đã nhiều lần chà đi xát lại, nhưng chúng không khuất phục nổi lòng dân ở đây. Nổi bật là vào đầu năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở cuộc càn “Xê-đa-phôn” với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân Tam giác sắt lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng giặc Mỹ phải rút lui với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ - ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy... Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và mùa xuân năm 1975, du kích 3 xã đã kết hợp với bộ đội chủ lực địa phương đồng loạt vây đánh các đồn bót của địch trú đóng trên địa bàn. Bị tấn công, địch khiếp sợ tháo chạy, trong đó Tiểu đoàn 361 bảo an và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch bị tiêu diệt và tan rã. Đến sáng ngày 28-4-1975, 3 xã An Điền, An Tây, Phú An hoàn toàn được giải phóng, góp phần vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Màu xanh trên chiến khu xưa

Chiến tranh đã lùi xa, những con người trên vùng Tam giác sắt lại bắt tay vào công cuộc kiến thiết và xây dựng quê hương. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, 3 xã An Tây, Phú An, An Điền của TX.Bến Cát đã thay da đổi thịt từng ngày. Những con đường thênh thang được xây dựng và nâng cấp đã giúp cho 3 xã này kết nối nhanh với các địa phương khác. Trên những tuyến đường trung tâm qua các xã, nhà máy, xí nghiệp mọc lên ngày càng nhiều đã cho thấy rõ sức vươn lên mạnh mẽ của vùng chiến khu xưa. 3 xã An Tây, An Điền, Phú An hôm nay đã trở thành các xã nông thôn mới. Những kết quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những tiền đề vững chắc cho các địa phương này phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương này ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân nơi đây không ngừng được nâng lên.

Khu di tích địa đạo Tam giác sắt. Ảnh: P.V

Tiếp chuyện chúng tôi, hướng về tượng đài tưởng niệm tại Khu di tích địa đạo Tam giác sắt, ông Dương Văn Lá, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Tây, cho biết với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân trong xã, An Tây hôm nay đã có bước phát triển mới. Lĩnh vực công nghiệp - thương mại, dịch vụ của xã trên đà phát triển nhanh. Cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện với mức thu nhập hơn 50 triệu đồng/ người/năm. Công tác an sinh xã hội luôn được xã bảo đảm, việc chăm lo cho các đối tượng người có công luôn được xã quan tâm thực hiện tốt.

Rời An Tây, chúng tôi đến thăm xã An Điền. Đi dọc trên tuyến đường 7A thẳng tắp, thênh thang, chúng tôi cảm nhận rõ được sức bật của vùng đất này. Thấp thoáng sau những vườn cao su xanh mát, những vườn trái cây ngọt quả là những nhà máy, xí nghiệp đang tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. An Điền hôm nay đã có kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, trong đó nổi bật là hệ thống giao thông đang ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại và thông thương của người dân. Chị Võ Thị Mỹ Phượng, một cán bộ trẻ của xã An Điền, chia sẻ: “Những người trẻ của vùng Tam giác sắt hôm nay luôn tự hào về truyền thống hào hùng của vùng đất quê hương và luôn ghi nhớ những cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước. Từ niềm tự hào về truyền thống đó, những cán bộ trẻ của xã An Điền như chúng tôi hôm nay đang không ngừng học tập, rèn luyện và cống hiến để góp phần đưa xã ngày càng phát triển nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Cùng chung nhịp phát triển của An Điền, An Tây, xã Phú An cũng đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Cũng qua chương trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Phú An được đầu tư ngày càng đồng bộ. Hiện nay, xã đang tiếp tục thực hiện chương trình này với mục tiêu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.

Vùng Tam giác sắt hôm nay đã lấp lánh sắc màu công nghiệp với sự hiện diện của những khu công nghiệp như Rạch Bắp, Việt Hương 2, An Tây… Sự hiện diện của các khu công nghiệp trên vùng chiến khu xưa đã cho thấy sức vươn lên mạnh mẽ của vùng đất này. Vượt qua những khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, những con người trên vùng Tam giác sắt hôm nay đang nỗ lực không ngừng, đoàn kết, nhất trí cùng chung tay xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên