Cố nhà thơ Thu Bồn.
Nhiều lúc tôi tự hỏi vì sao một người khi nằm xuống gần như với hai bàn tay trắng như Thu Bồn luôn được yêu mến? Ngoài tài năng, phải chăng còn một nhân cách Thu Bồn? Không câu nệ chức tước, lang bạt như một tráng sĩ, sống hết mình, yêu thương hết mình, sáng tạo hết mình - nhà thơ Thu Bồn đã có một cuộc đời và sự nghiệp phong phú, sôi động, đầy ý nghĩa. Cuộc đời ông như cánh chim đại ngàn không biết mệt mỏi, với khẩu súng và cây bút tung hoành ngang dọc khắp bầu trời Tổ quốc thân yêu. Sự nghiệp ông như khu rừng nguyên sinh vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, với những áng văn mang tính sử thi có sức sống vượt thời gian.
Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
nón rất Huế nhưng đời không phải thế
mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
một đời anh đi mãi chẳng về đâu
con sông giùng giằng con sông không chảy
sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Còn gì đẹp hơn, sâu sắc hơn trước dòng sông Hương thơ mộng trầm mặc in bóng thăng trầm lịch sử: "con sông giùng giằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu". Có lẽ những nhà thơ xứ cố đô cũng phải "ghen" trước những câu thơ tài hoa ấy của một thi sĩ đất Quảng mà bút danh cũng mang tên một dòng sông. Bài thơ tình "Tạm biệt" của Thu Bồn là một trong những tác phẩm cuốn hút mãnh liệt chúng tôi đến với thế giới văn chương của ông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nhà thơ Thu Bồn tên thật Hà Đức Trọng, sinh năm 1935 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 12 tuổi ông đã tham gia thiếu sinh quân, lên đường kháng chiến. Thu Bồn là một trong ba người còn sống sót sau chiến tranh của "tiểu đội nhà văn quân đội" gồm 13 người được cử vào chiến trường chống Mỹ năm 1962. Tay súng tay bút, ông sáng tác không ngừng nghỉ, dù trên đường hành quân hay ngay trong chiến hào giữa hai trận chiến. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo - chiến hữu thân thiết của nhà thơ Thu Bồn kể: "Đi đâu trên đất nước này, chúng tôi cũng thấy có dấu chân Thu Bồn, vào những thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh để viết nên những tác phẩm nóng bỏng hơi thở cuộc sống".
Nhờ trường vốn và sức sáng tạo mạnh mẽ nên Thu Bồn đã có một gia tài đồ sộ với gần 25 đầu sách. Về thơ và trường ca, có thể kể: "Bài ca chim chơrao" (1962), "Mặt đất không quên" (1970), "Quê hương mặt trời vàng" (1975), "Badan khát" (1976), "Campuchia hy vọng" (1978), "Người vắt sữa bầu trời" (1985), "Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên" (1992), "Đánh đu cùng dâu bể" (2002)... Về văn: "Chớp trắng" (tiểu thuyết - 1970), "Những đám mây màu cánh vạc" (tiểu thuyết 2 tập - 1975), "Em bé trong rừng thốt nốt" (tập truyện ngắn - 1979) "Đỉnh núi" (tiểu thuyết - 1980), "Vùng pháo sáng" (tiểu thuyết - 1986), "Cửa ngõ miền Tây" (tiểu thuyết - 1986), "Em bé vào hang cọp" (tiểu thuyết 2 tập - 1986),...
Nhà thơ Thu Bồn đã được nhận Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (năm 1965) của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; Giải thưởng Bông sen (năm 1973) của Hội Nhà văn Á - Phi; Giải thưởng văn học Phan Chu Trinh (năm 1975) của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 1, năm 2001). Trò chuyện với chúng tôi, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: "Điều quan trọng nhất của vẻ đẹp cốt cách Thu Bồn thể hiện từ con người đến tác phẩm là sự trần trụi, chân thực. Tác phẩm là bản sao của tâm hồn. Thu Bồn sống thật, đau khổ thật, vật vã thật. Tác phẩm của Thu Bồn luôn hiện lên những mảng trần trụi của sự thật, cho dù anh có cách điệu, sáng tạo. Điều đó chỉ có ở một người từng trải. Nhờ vậy mà người đọc tin yêu anh, tìm đến anh".
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét rằng, trong đội ngũ nhà văn Việt Nam hiện nay, Thu Bồn có nhiều cái đáng được "xếp hàng đầu". Thu Bồn là người có đóng góp trong nhiều thể loại: thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và cả báo chí nữa; trong đó, ông là một trong những người khai mở và đặt dấu ấn thành công trong thể loại trường ca viết về chiến tranh chống Mỹ cứu nước, và cũng là tác giả có nhiều trường ca nhất. Thu Bồn được nhận nhiều giải thưởng văn học từ địa phương đến trung ương và quốc tế, những giải thưởng được trao một cách xứng đáng chứ không phải là thứ ban phát. Thu Bồn cũng là một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp với tư cách người lính suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc (dù chỉ mang quân hàm trung tá); được Nhà nước tặng thưởng hơn 10 huân huy chương các loại…
Ngoài viết văn, Thu Bồn còn là một người sống khỏe và quyết liệt nhất, yêu thương đắm đuối nhất. Thơ tình của ông như thác gào, như suối chảy. Tình yêu của ông đầy giai thoại. Thu Bồn say mê phụ nữ và cũng sống hết mình với bạn bè nên có nhiều người yêu và cũng có đông đảo bè bạn. Ở đâu có Thu Bồn là ở đó có tiếng cười rộn rã, có sự tin yêu của tình bạn. Ngược lại, tình bạn cũng là sự tiếp sức rất lớn đối với ông. Thu Bồn luôn hướng tới cuộc sống giản đơn, tước bỏ mọi ràng buộc không cần thiết, chẳng màng chức tước hư danh. Cuộc sống và sự nghiệp Thu Bồn phong phú và điển hình đến độ nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã dựa vào đó để xây dựng nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng "Học phí trả bằng máu".
So với các nhà thơ cùng thời, trường ca là thế mạnh và cũng là đóng góp lớn của Thu Bồn. "Bài ca chim chơrao" của Thu Bồn đã đặt dấu son không chỉ đối với nền thơ ca chống Mỹ mà còn đối với cả nền văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. Thu Bồn quan niệm rằng trường ca là một kiến trúc tổng hợp của thơ ca và cuộc chiến tranh gian khổ mà hào hùng của dân tộc trong thế kỷ đầy phong ba vừa qua chính là nền tảng để từ đó, ông cho khai sinh hàng loạt bản trường ca. Nó chính là "con đẻ" từ trong máu lửa tro than, từ những cuộc hành quân đằng đẵng từ Bắc chí Nam mang khát vọng độc lập tự do của cả một dân tộc…
Nhà thơ Thu Bồn cũng từng "bật mí" rằng có một nhân vật đi xuyên suốt trong các trường ca của ông, mặc dù tên tuổi không hề xuất hiện ở một dòng nào: "Tôi thường gọi tên anh là người chạy trốn ra phía trước hoặc người an bình trong tiếng súng… và cuối cùng gọi anh là Che Guevara Việt Nam". Đó chính là Thiếu tướng - nhà văn Nguyễn Chí Trung, người cùng Thu Bồn, Thanh Giang là ba người còn sống sót sau hòa bình của tiểu đội nhà văn 13 người năm ấy. Nguyễn Chí Trung cùng Nguyên Ngọc, Thu Bồn cũng là ba nhà văn bám trụ và viết nhiều nhất về Tây Nguyên trong chiến tranh. Sau này, với tư cách trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã có chuyến thăm Cuba. Về nước ông kể rằng, trong phần kết thúc bài diễn văn, đồng chí Lê Khả Phiêu có trích một đoạn trường ca như một lời tỏ bày tình cảm, và cũng là để các bạn Cuba hiểu đất nước ta hơn:
ngọn sóng qua đây thành lưỡi búa
ngọn gió qua đây thành mũi lao
cánh chim qua đây thành con tuấn mã
tờ giấy qua đây thành trang sử đỏ
quân thù nghe nói mặt xanh như tàu lá
chân ngựa vấp chân người, ngựa ngã (...)
bè bạn qua đây con tàu nặng
bè bạn qua đây con sóng lặng
Đó là trích đoạn từ trường ca "Campuchia hy vọng" được Thu Bồn viết năm 1978, mà theo nhà văn Nguyễn Chí Trung - đây là tác phẩm có tính "tiên tri" về cuộc tiến quân vào Phnôm Pênh của bộ đội Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, cứu nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pol Pot. Trường ca này đã được Thủ tướng Hun Sen đọc và đánh giá rất cao:
Chúng tôi sẽ tiến về Phnôm Pênh
như nước lũ tràn
của cả mùa mưa loài người đương chịu đựng
đền chùa hãy gióng lên tiếng trống
đã giấu trong lòng đất lòng người
tất cả hãy gióng lên.
Trường ca của Thu Bồn đã vượt biên giới Tổ quốc đến với nhiều dân tộc anh em ở Á - Phi - Mỹ Latinh!
Nhà thơ Thu Bồn ra đi tới nay đã tròn 10 năm. Cánh chim đại ngàn Thu Bồn vẫn bay cao trong lòng đông đảo đồng nghiệp và những người yêu quý ông. Đó là sự tôn vinh xứng đáng đối với một tài năng và nhân cách văn học mà sinh thời vốn chịu nhiều thiệt thòi. Nhân dịp này, tuyển tập "Thu Bồn - tráng sĩ hề… dâu bể" cũng đã được ra mắt bạn đọc…
Theo CAND