Không cần đến các cuộc đối thoại diễn ra, khi gặp những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các doanh nghiệp có thể gặp gỡ ngay lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng để được tháo gỡ kịp thời. Các cấp, các ngành của tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Uni-President, Khu công nghiệp Sóng Thần (TX.Dĩ An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Bình Dương diễn ra sáng qua (24-9) do UBND tỉnh tổ chức. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng tham gia hội nghị.
Doanh nghiệp hài lòng
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh trong năm 2018 và 9 tháng năm 2019. Lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết bên cạnh việc đầu tư xây dựng các cảng sông, hiện Bình Dương đang chủ động trình Chính phủ tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển hàng hóa chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên cơ sở đó, tỉnh triển khai các trung tâm kho vận, logistics lớn nhằm giảm thời gian, chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm… Đây được xem là hướng giải quyết khả thi và rất hiệu quả cho việc giảm chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Về thông tin để hình thành chuỗi liên kết sản xuất trên nền tảng ứng dụng công nghệ, hiện nay tỉnh đã giao các ngành chức năng triển khai cơ dữ liệu doanh nghiệp nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin tốt nhất về chuỗi cung ứng, trước hết là với các doanh nghiệp Bình Dương, sau đó là các doanh nghiệp trong cả nước. Hy vọng cơ sở dữ liệu sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
|
Ông Edwin van de Sloot, Giám đốc điều hành ScanCom VietNam Ltd (TX.Dĩ An), cho biết trong thời gian qua công ty nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp, các ngành của tỉnh. Cơ sở hạ tầng của Bình Dương ngày càng được cải thiện và hoàn thiện. Công ty đã có bước phát triển vượt bậc. Đó là lý do lãnh đạo công ty quyết định mở rộng sản xuất tại đây.
Theo ông Nguyễn Trí Thành, Giám đốc điều hành Công ty TNHH ÉC - Electronics (100% vốn Hoa Kỳ, TX.Bến Cát), hơn 10 năm hoạt động tại Bình Dương, công ty rất hài lòng về môi trường đầu tư và sự hỗ trợ tận tâm của các ngành chức năng. Về cơ sở hạ tầng, Bình Dương đang sở hữu hạ tầng rất tốt so với các vùng lân cận.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm nhấn mạnh những kết quả Bình Dương đạt được nói trên là nhờ sự đóng góp tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiệp hội cũng như tổng lãnh sự các nước. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường...; quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Cùng với đó, tỉnh triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư.
Đẩy nhanh phát triển logistics
Ông Edwin van de Sloot cho rằng, trong tương lai gần Bình Dương nên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng đường sông, đường sắt để đáp ứng yêu cầu phát triển và tạo sự thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông đề nghị tỉnh cần quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 để có cơ sở dữ liệu kết nối các cơ sở sản xuất trong nước, từ đó doanh nghiệp được mua nguyên phụ liệu chế biến trong nước. Có như vậy công nghiệp Bình Dương sẽ phát triển cao hơn. Ông cũng đề nghị các trường đưa vấn đề sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất vào giảng dạy, nhất là các trường dạy nghề để doanh nghiệp có được nguồn lao động chất lượng cao.
Ông Thành nói trong tương lai gần Bình Dương cần đầu tư phát triển cảng đường sông để giá thành dịch vụ logistics giảm xuống. Chính quyền tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, giúp người lao động gắn bó lâu dài với Bình Dương.
Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, tỉnh đã quy hoạch 9 cảng sông, trong đó có 4 cảng đang vận hành. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa của tỉnh được quy hoạch và phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch quốc gia và bảo đảm tính kết nối giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển. Bên cạnh đó, việc tháo dỡ cầu sắt Phú Long cùng việc nâng cao tĩnh không cầu sắt Bình Lợi (TP.Hồ Chí Minh) cũng mở ra nhiều cơ hội cho giao thông đường thủy, giải phóng hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tương lai gần, cũng như thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến Bình Dương.
Về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong những năm qua, tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Đến nay, nhiều khu nhà ở xã hội đã được xây dựng, tập trung ở những khu vực đông công nhân lao động như TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng… Đặc biệt, tỉnh đã thu hút trên 80 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích 3,9 triệu m2 sàn nhà ở, đáp ứng cho trên 240.000 người, tổng vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng diện tích trên 491.000m2 sàn nhà ở, đáp ứng cho khoảng 40.000 người.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích 270.000m2 sàn, đáp ứng cho 47.000 người.
TIỂU MY