Nhiều đề xuất nhằm phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, đảm bảo những nhiệm vụ chính trị cũng như an sinh xã hội đã được các đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII. Đặc biệt, các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ cống hiến cho đất nước được nhiều đại biểu đề xuất, kiến nghị. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã ghi lại những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về vấn đề trên.
Nhiều đề xuất nhằm phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, đảm bảo những nhiệm vụ chính trị cũng như an sinh xã hội đã được các đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII. Đặc biệt, các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ cống hiến cho đất nước được nhiều đại biểu đề xuất, kiến nghị. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã ghi lại những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về vấn đề trên.
Quan tâm về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) chỉ rõ, hiện nay đầu tư và phát triển hiện còn thiếu đồng bộ; công nghiệp phụ trợ cũng chưa được quan tâm; chính sách công nghiệp hiện nay cũng chưa mang tính định hướng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mong muốn, chính sách không theo kịp với thực tế để lại hậu quả lớn, chưa thấy được tính bền vững chính sách; du lịch cũng còn bỏ ngỏ, chưa tận dụng được cơ hội; thất thu thuế nhiều; chưa mạnh dạn đổi mới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập…
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, định hướng phát triển trong 5 năm tới cần quan tâm đến tập trung phát triển công nghệ số để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm xuất khẩu; xây dựng chính sách mang tính định hướng để thu hút đầu tư, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mang tính bền vững; tập trung nhiều cho du lịch trong nước, du lịch xanh; du lịch kết hợp điều trị bệnh. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý đến một số chỉ tiêu phát triển cụ thể như tỉ lệ lao động qua đào tạo hay chỉ tiêu nước sạch nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng…cần cân nhắc để xác định mức khả thi, phù hợp.
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng). Ảnh: Lê Anh
Góp ý vào dự thảo Văn kiện, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) lại lưu ý đến các giải pháp để phát triển nhân lực khoa học công nghệ gắn với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo đại biểu, dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Điểm đặc biệt mới trong dự thảo Văn kiện là các giải pháp để phát triển nhân lực khoa học công nghệ gắn với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Góp ý về lĩnh vực này, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng, nước ta có nhiều nhà khoa học hiện đang làm việc ở các nước trên thế giới. “Để huy động trí tuệ của họ đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời đại công nghệ 4.0, chúng ta hoàn toàn có thể kết nối với họ thông qua những công nghệ hiện đại chứ không phải là buộc họ phải trở về nước mới có thế cống hiến được”, đại biểu cho biết. Trên cơ sở đó, đại biểu Nghiêm Vũ Khải đề xuất, trong dự thảo Văn kiện nên có thêm những chính sách hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ từ khắp nơi trở về quê hương làm việc, cống hiến trí tuệ, sức lực nhiều hơn cho đất nước.
Quan tâm đến nhóm giải pháp liên quan đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho biết: Việc lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có vai trò hết sức quan trọng. Qua đó, Quốc hội sẽ thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng trở thành các quy định của pháp luật.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng). Ảnh: Xuân Mai
Theo đại biểu, Văn kiện Đại hội có phạm vi rất rộng, có nội dung liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và có phần nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Với tư cách là người đại diện của cử tri thành phố Hải Phòng, đại biểu Bùi Thanh Tùng quan tâm đến 2 vấn đề. Thứ nhất là những giải pháp để đẩy nhanh phát triển kinh tế vì trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế. “Đây là vấn đề quan trọng nhằm góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, đại biểu cho biết.
Bên cạnh đó, đại biểu Tùng cũng quan tâm đến nhóm giải pháp liên quan đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. “Nếu trong Văn kiện xây dựng được cơ chế tốt để có được bộ máy tổ chức hiệu quả trong Đảng và các cơ quan của Nhà nước thì chúng ta sẽ có được bộ máy lãnh đạo, quản lý vừa tinh gọn, sáng tạo và thực sự làm việc vì nhân dân. Như vậy, người dân có thể tin tưởng trong nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ có sự quyết tâm, đoàn kết nhất trí trong hệ thống tổ chức của Đảng để đưa nền kinh tế tăng trưởng và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội”, đại biểu bày tỏ.
Cũng theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được thực hiện thông qua nhiều vòng. “Khi tham dự Đại hội Đảng bộ ở địa phương, bản thân tôi cũng đã đóng góp ý kiến vào Văn kiện. Cá nhân tôi mong muốn là Văn kiện tập trung cao vào xây dựng các định hướng chiến lược một cách rõ ràng, có tính đặc thù của từng giai đoạn để chúng ta có bước đi phù hợp, đảm bảo nội dung của Văn kiện triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả trong thực tiễn”, đại biểu đề xuất.
Theo dangcongsan.vn