LTS: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa xuân 1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc ta như mốc son chói lọi nhất trong thế kỷ XX, mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu có giá trị lâu dài đối với với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Suốt 47 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Sông Bé - Bình Dương luôn kế thừa và phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 cùng với những sách lược năng động, sáng tạo để giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng phát triển quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Bài 1: Cảm xúc tháng tư
21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng với cả nước, phong trào đấu tranh cách mạng của vùng đất với những Chiến khu Đ, Tam giác sắt, Bàu Bàng, Dầu Tiếng... đã trải qua những năm tháng bất khuất, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu với biết bao khó khăn, gian khổ và hy sinh. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh vừa chiến đấu để giải phóng quê hương, vừa bảo đảm mở đường cho lực lượng chủ lực tiến công về Sài Gòn - dinh lũy cuối cùng của chế độ Mỹ - ngụy, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mặc dù đã nhiều lần được nghe bà Nguyễn Thị Một kể lại giây phút lịch sử khi bà nhận lãnh nhiệm vụ cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Nhà việc Phú Cường trong ngày 30-4 lịch sử, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bồi hồi trước cảm xúc xen lẫn niềm tự hào, hạnh phúc của bà. Đối với bà Một, ký ức về thời khắc lịch sử của ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn luôn vẹn nguyên dù thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ.
Quần chúng nhân dân tham gia lễ mít tinh mừng giải phóng thị xã Thủ Dầu Một Ảnh: TƯ LIỆU
“Ngày 30-4-1975, tôi và một đồng chí nữa được giao nhiệm vụ treo cờ trên nóc Nhà việc Phú Cường. Lúc đó, tôi không biết Nhà việc Phú Cường cửa ngõ lối đi như thế nào. Tay cầm lá cờ tôi bám cánh cửa công trình phụ, leo lên ban công rồi bước qua Nhà việc Phú Cường giật lá cờ ba que xuống và thượng lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên...”, bà Một kể lại khoảnh khắc lịch sử cách đây đã 47 năm rõ ràng đến từng chi tiết như sự kiện mới xảy ra hôm qua.
Những ngày tháng tư cũng là khoảng thời gian mang đến nhiều xúc cảm đối với ông Nguyễn Minh Giao, nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tháng tư luôn gợi cho ông những ký ức không thể nào quên về những ngày sục sôi chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng để giải phóng quê hương.
Trong hồi ký “Tuổi thơ không bình yên”, ông Nguyễn Minh Giao đã dành nhiều trang viết đưa người đọc trở về những tháng ngày hào hùng của quân, dân Thủ Dầu Một trong cuộc tổng tiến công: “... khoảng hơn 5 - 6 giờ sáng ngày 30-4, pháo của quân giải phóng bắn cấp tập vào căn cứ Phú Lợi. Đến gần 8 giờ có một số quả pháo bắn vào dinh Tỉnh trưởng nhưng đạn bay không tới dinh mà rớt ngoài vòng rào, nổ ở khu Ty chiêu hồi, khu gia binh đường Ngô Quyền gần ngã tư Piscine. Mặc dù pháo nổ ở đâu chăng nữa thì chúng tôi cũng hiểu ngay rằng đó là hiệu lệnh chung đã điểm!”.
Ngày đó, ông Giao ở trong đội hình một cánh quân tiến vào giải phóng thị xã Thủ Dầu Một. Ông nhớ lại, lúc ấy khi hiệu lệnh chung đã phát ra thì đồng loạt các cánh quân bên ngoài cùng lực lượng tại chỗ tiếp cận mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Các cánh quân chia làm nhiều mũi tiến công chiếm lĩnh, giải phóng các mục tiêu được phân công. Có mũi đánh chiếm bót Kèn, bót Chùa Úp Nồi và phát triển vào ấp Chánh Trong khu Lò Chén. Có mũi chiếm lĩnh nhà máy đường Bà Lụa, ấp Phú Thọ và phát triển lên chiếm lĩnh ấp Phú Văn. Có mũi chiếm lĩnh ấp Mỹ Hảo, ấp Chánh Lộc, phát triển vào thành Công binh...
Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30- 4-1975, là cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Nhà việc Phú Cường, đánh dấu thị xã Thủ Dầu Một hoàn toàn giải phóng. Lá cờ nửa xanh, nửa đỏ với ngôi sao vàng năm cánh tung bay vào thời khắc ấy cũng là hình ảnh khó quên trong tâm trí của ông Giao, của bà Một và tất cả người dân trong giây phút lịch sử trọng đại ấy.
Thắng lợi của cuộc tiến công nổi dậy của quân và dân Thủ Dầu Một trong ngày 30-4-1975 đã góp phần cùng cả nước giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, non sông thống nhất, đất nước trọn niềm vui… (còn tiếp)
TRÍ DŨNG