Chia sẻ bài viết lên facebook

Phú Giáo: Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật: 17-08-2015 | 08:46:47

Xác định được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Giáo đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tiêu thụ. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Giáo đã có bước phát triển mạnh mẽ.

 Nông dân huyện Phú Giáo đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà lạnh của ông Phạm Xuân Tường tại xã Tam Lập. Ảnh: C.SƠN

 Từng bước hiện đại sản xuất nông nghiệp

Phú Giáo là địa phương có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp. Xác định được các lợi thế này, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao cũng như quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng kỹ thuật cao, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Thực hiện theo phương châm này, Phú Giáo đã vận dụng tốt các chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp. Huyện đã tập trung chuyển các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm, sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao; thực hiện cơ giới hóa mạnh mẽ trong các khâu làm đất, tưới tiêu, sơ chế, vận chuyển nông sản.

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện Phú Giáo hiện là 46.628,77 ha. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt 2.920,56 ha; tổng diện tích cây lâu năm đạt 36.357,62 ha, riêng cao su có diện tích 35.261 ha, điều 530,07 ha và hồ tiêu 267,2 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn trâu bò trên địa bàn toàn huyện đạt 1.956 con; tổng đàn heo 138.317 con, tổng đàn gia cầm 1.388.127 con.

Thời gian qua, huyện Phú Giáo là một địa phương được đánh giá cao trong ứng dụng sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mô hình hiệu quả. Với những chính sách hỗ trợ kịp thời của chính quyền, sự nỗ lực của nông dân, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện Phú Giáo đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan. Số lượng cũng như chất lượng nông sản trên địa huyện đã được nâng lên thấy rõ. Hiện nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (xã An Thái) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư với quy mô 411,75 ha; Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao do Công ty Cổ phần Đường Bình Dương làm chủ đầu tư (xã Tân Hiệp và Phước Sang) với quy mô 471 ha được xem là các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiên tiến nhất tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới. Các khu này không những áp dụng công nghệ vào sản xuất, có giá trị kinh tế cao, đóng góp không ít cho sự phát triển nông nghiệp chung của huyện mà còn thể hiện vai trò lan tỏa, tác động tích cực đến các thành phần sản xuất nông nghiệp trên khắp địa bàn. Ngoài các khu quy hoạch trọng điểm với quy mô lớn được đầu tư bài bản, những người nông dân huyện Phú Giáo cũng rất tích cực học hỏi và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Từ đó đã hình thành nên các mô hình mới như mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình kinh tế tổng hợp; mô hình nuôi cá nước ngọt, cá sấu… Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình thử nghiệm và canh tác ứng dụng nhà lưới kín, sử dụng hệ thống bón phân và tưới nước tự động. Các hộ nông dân đã sử dụng công nghệ này trong một số loại cây trồng như cà chua, rau, dưa leo và mô hình sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP; mô hình nhà lưới trồng cây ăn quả… Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hộ gia đình cũng đang chuyển dần sang chăn nuôi với quy mô lớn, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Kinh tế trang trại - nền tảng vững chắc

Với những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, lao động, huyện Phú Giáo đang phát triển mạnh các mô hình kinh tế trang trại (KTTT). Với những kết quả mang lại cho địa phương, trong thời gian qua, KTTT đã khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp; là một nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển mạnh mẽ. Phát triển KTTT không những đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn đem lại những thay đổi lớn về bộ mặt kinh tế - xã hội ở nông thôn Phú Giáo. Các hình thức phát triển TT ở Phú Giáo trong thời gian qua khá đa dạng và phong phú, từ TT chăn nuôi, trồng trọt đến TT kinh tế tổng hợp. Các TT chăn nuôi thời gian gần đây đã hình thành trên địa bàn ngày càng nhiều, chủ yếu là các TT chăn nuôi heo và gà. Đặc biệt là hình thức chăn nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, mô hình TT tổng hợp theo mô hình VAC bước đầu đã thể hiện được ưu thế trong việc phát huy nguồn lực, có tiềm năng phát triển lớn. Đây cũng là mô hình thu hút được sự quan tâm thực hiện của nông dân Phú Giáo.

Điều đáng chú ý là thời gian qua, các chủ TT trên địa bàn huyện Phú Giáo đã chú trọng đến việc chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao như heo rừng lai, nhím, ba ba, cá sấu... Hiện nay, toàn huyện có tổng số 341 TT theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, có 190 TT trồng cây lâu năm, 151 TT chăn nuôi; tổng diện tích đất đang sử dụng của các TT gần 3.500 ha; tổng số lao động các TT đang sử dụng là 2.569 người; tổng doanh thu của các TT trên địa bàn huyện đạt khoảng trên 1.000 tỷ đồng; bình quân tổng thu của mỗi TT là 2,9 tỷ đồng/năm. Những con số trên cho thấy, KTTT đã khẳng định được ưu thế trong việc huy động được nguồn nội lực trong dân rất lớn về vốn, lao động, phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của huyện.

Xác định tầm quan trọng của KTTT, huyện Phú Giáo đang tiếp tục khuyến khích phát triển loại hình kinh tế này. Tuy nhiên, hiện nay trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, các mô hình TT trồng cao su đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Giáo đang có những định hướng phát triển theo hướng đa dạng hóa các mô hình TT, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn với chế biến; tránh tình trạng quá phụ thuộc vào cây cao su để từ đó tiếp tục nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Ngô Đình Thanh, Phó phòng Kinh tế huyện huyện Phú Giáo cho biết, xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện, trong đó có KTTT, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích; thực hiện sản xuất gắn với chế biến và nhu cầu thị trường; chú trọng sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; vận động nông dân có điều kiện chuyển đổi các loại cây trồng kém chất lượng sang đầu tư theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm động lực cho ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững, hiện đại.

 KIẾN GIANG - CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1196
Quay lên trên