Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa đưa ra dự báo, trong năm 2016 sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 7%. Lý do là giá cà phê sang năm được dự đoán sẽ tăng lên do Brazil và Indonesia, những nước trồng cà phê lớn của thế giới sẽ gặp thời tiết khô hạn, kéo theo sản lượng cà phê sẽ giảm sút.
Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn của thế giới, nhưng cũng lại góp phần đưa giá cà phê… đi xuống. Đây là một nghịch lý tồn tại nhiều năm qua ở nước ta: ồ ạt trồng cà phê phá vỡ quy hoạch, dẫn đến cung vượt quá cầu làm giá thành giảm sút. Ở Tây nguyên, hiện nay hầu hết các tỉnh có diện tích cây cà phê vượt xa quy hoạch trồng cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới năm 2020. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn giảm dần diện tích cây cà phê để giữ giá cao, nhưng tư duy làm ăn “theo giá” của đa số nông dân hiện nay đã làm khổ chính họ. Thực tế những năm qua cho thấy, cứ lúc cà phê có giá cao, nhiều nông dân đã đổ xô đi trồng cà phê, dẫn tới việc quy hoạch cây cà phê bị phá vỡ. Điều đó dẫn đến nguồn cung ra thị trường thế giới quá lớn, giá giảm là điều đương nhiên. Chẳng hạn như niên vụ 2014-2015, giá cà phê trong nước đã giảm tới 20%.
Có một thực tế nữa là, khi giá cà phê xuống thấp, không ít gia đình, cơ sở kinh doanh cà phê trong nước thường giữ hàng để chờ giá lên mới bán. Tuy nhiên, muốn găm hàng cà phê không phải dễ, bởi hạt cà phê tươi muốn bảo quản phải qua quy trình xử lý, rồi cộng thêm chi phí kho bãi, lưu trữ nên rất tốn kém, không phải ai cũng kham nổi. Bên cạnh đó, người trồng cà phê còn bị ép giá bởi các thương lái. Trong khi đó, hiện nay tính bình quân chi phí chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch một ha cà phê tốn hàng chục triệu đồng mỗi năm, đâu phải nông dân nào cũng “bạo vì tiền” mà găm hàng chờ giá cà phê lên. Vì thế, nhiều người đã phải bán đổ, bán tháo cho thương lái với giá bèo bọt để có chi phí cho mùa vụ năm sau.
Dự báo sang năm lượng cà phê của Việt Nam xuất khẩu tăng thêm 7%, giá cả sẽ tăng khoảng 20% so với năm nay chưa thể đem lại nhiều niềm vui cho ngành cà phê trong nước. Thực tế, nếu vẫn cứ giữ mãi kiểu trồng cây theo giá, không nhìn xa trông rộng thị trường trong và ngoài nước như hiện nay thì hương vị cà phê trong nước vẫn… “đắng” mãi!
HOÀNG PHONG