Chờ làn sóng hạ lãi suất

Cập nhật: 10-05-2013 | 00:00:00

Hàng loạt ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động, thị trường đang chờ làn sóng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp

Chưa đầy 1 tuần nhưng đã có 4 “ông lớn” ngân hàng (NH) mạnh tay hạ lãi suất huy động. Mức giảm nhiều nhất trên thị trường ghi nhận đến thời điểm này là NH NN-PTNT Việt Nam (Agribank).

Lãi suất tiết kiệm 5%/năm

Biểu lãi suất mới nhất được Agribank công bố đối với tiền gửi khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 5%/năm, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng là 7%/năm, từ 3 - 9 tháng là 7,5%/năm và từ 12 - 24 tháng mức lãi suất 9%/năm.

  Chỉ trong 1 tháng, Vietcombank đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại Vietcombank. Từ ngày 9-5, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng hạ lãi suất huy động xuống dưới trần cho phép. Mức lãi suất từ 1 tháng đến dưới 12 tháng được áp dụng đồng loạt là 7%/năm. Tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm còn 6%/năm, 2 tháng 6,5%/năm, từ 3-11 tháng ở mức 7%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng chỉ còn 8%/năm.

“Phát pháo” giảm lãi suất huy động lần này là NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vào ngày 6-5, khi NH này công bố hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tại các kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất cũng chỉ 7%/năm. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, Vietcombank hạ lãi suất huy động sau khi NH Nhà nước áp trần lãi suất huy động dưới 12 tháng về mức 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết hạ lãi suất huy động là phù hợp với tình hình thanh khoản của NH và thị trường nhằm tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Khó khăn nhất của NH hiện nay là doanh số giải ngân, chất lượng tín dụng quá thấp.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia, nhận định: Các NH kỳ vọng lạm phát còn tiếp tục giảm, trong khi nhu cầu tín dụng quá yếu và các kênh đầu tư khác như trái phiếu Chính phủ, hối phiếu NH Trung ương, trái phiếu DN đang rất hạn chế… Vốn khả dụng của các NH thương mại, nhất là NH quy mô lớn, đang dư thừa buộc các NH phải hạ lãi suất huy động.

Liệu các NH quy mô nhỏ có tham gia vào làn sóng giảm lãi suất huy động? Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chi phí vốn của các NH quy mô nhỏ cao hơn khối NH lớn bởi không có các nguồn vốn như tiền gửi thanh toán của DN, tiền gửi của hệ thống bảo hiểm, các khoản dịch vụ giải ngân ODA… Vì vậy, họ có thể hạ lãi suất nhưng không giảm thấp như các “ông lớn”. Tuy nhiên, một làn sóng giảm lãi suất có thể diễn ra bởi thị trường lãi suất thường “tham chiếu” từ lãi suất của các NH lớn.

Hạ lãi suất cho vay để kích thích tiêu dùng, đầu tư

Cùng với việc giảm lãi suất huy động, các NH cũng điều chỉnh lãi suất cho vay. Vietcombank kéo lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường về khoảng 10,5%/năm, lãi suất trung dài hạn thấp nhất 11,6%/năm. NH này cũng tung gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn 30.000 tỉ đồng và 700 triệu USD với lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5%/năm và 2%/năm để hỗ trợ DN. Còn VietinBank triển khai gói tín dụng ngắn hạn với hạn mức 80.000 tỉ đồng, lãi suất vay thấp nhất 7%/năm với các khách hàng thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau…

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, lãi suất tiền gửi hạ sẽ kéo lãi suất cho vay về mức phổ biến 9% - 11%/năm bởi chi phí vốn bình quân của các NH quy mô lớn chỉ khoảng 4% - 5%/năm nhờ các khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi kho bạc, tiền gửi công ty bảo hiểm... rất thấp. Khi các “ông lớn” hạ lãi suất đầu ra sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường xuống thấp. Bởi lãi suất là công cụ quan trọng, dù không tác động ngay lập tức nhưng đây là biện pháp căn bản để kích thích tiêu dùng, đầu tư.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính NH Trường ĐH Mở TPHCM, nhìn nhận thời gian qua, nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi được tung ra nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất hạn chế. Mức lãi suất cho vay 12% - 13%/năm hiện nay, nếu so sánh với thời điểm những năm 2006-2007 là tương ứng. Nhưng thời điểm đó, DN sản xuất kinh doanh tốt, hàng bán chạy, vòng quay vốn, tài sản nhanh gấp 2-3 lần nên chi phí vốn thấp. “Giờ đây, hàng tồn kho không bán được, sức mua yếu, vốn không quay vòng được nên mức lãi suất 12% - 13%/năm là quá sức chịu đựng của DN” - TS Nguyễn Văn Thuận lưu ý.

Tiền có chảy vào kênh khác?

Điều lo ngại là khi lãi suất huy động giảm quá thấp, liệu tiền gửi có chạy sang các kênh đầu tư khác? TS Nguyễn Văn Thuận nhận định đây là vấn đề các NH phải tính toán kỹ và NH Nhà nước cũng cần thận trọng trước khi quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất. Nếu lạm phát ở mức 7%/năm, trần huy động được kéo về 6,5%/năm sẽ tạo tâm lý cho người dân lãi suất thực âm, khi đó tiền có thể chảy qua các kênh đầu tư khác với mục đích bảo toàn vốn.

Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu giảm lãi suất huy động, nhiều người đang gửi tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng sẽ rút vốn ra đầu tư kinh doanh là tốt cho nền kinh tế, đầu tư chứng khoán, bất động sản thời điểm này cũng tốt. Trong khi giá vàng tăng giảm thất thường, ngoại tệ ổn định… sẽ không gây vấn đề lớn. Với người có tiền nhàn rỗi, tốt nhất vẫn nên gửi NH.

Theo Báo Người Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=288
Quay lên trên