Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang sử dụng các công cụ cần thiết để cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, các vấn đề liên quan tới lạm phát, lãi suất và tỷ giá đang được kiểm soát khá tốt và có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn tương đối yếu, chưa ghi nhận chuyển biến tích cực nào rõ rệt.
Theo số liệu thống kế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 của cả nước đạt 262,5 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy triển vọng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn còn khá ảm đạm. Trong khi đó, tại Bình Dương cầu tín dụng vẫn còn tương đối yếu. Trong phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 chỉ tăng 0,7% so với tháng trước và giảm 0,8% so với đầu năm. Điều này cho thấy nhu cầu vốn cho sản xuất, xuất nhập khẩu vẫn chưa cao trở lại.
Theo phân tích của giới chuyên gia, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu với 3 nguyên nhân chính: Đầu ra tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, nhu cầu vay vốn giảm; tình hình tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa suy yếu, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng; doanh nghiệp bất động sản bị giảm sút nhu cầu do nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý.
Các chuyên gia cho rằng thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói rằng tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng. Theo dõi từ thị trường chứng khoán cho thấy nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi có các tín hiệu rõ ràng hơn về sự “hấp thụ” của những chính sách hỗ trợ lên nền kinh tế. Cùng với đó, thị trường bất động sản, trái phiếu được cải thiện, kéo theo tăng trưởng tín dụng và bức tranh lạm phát thế giới dần hạ nhiệt, sự phục hồi của sức mua và dòng chảy thương mại.
Với chỉ số sản xuất công nghiệp không khả quan, các chuyên gia không kỳ vọng sự bứt phá bất ngờ về tăng trưởng lợi nhuận trong quý II của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đi qua “vùng trũng” trong quý I mà vẫn có lợi nhuận dương có thể sẽ tiếp tục có kết quả sản xuất, kinh doanh quý II khả quan hơn mặt bằng chung, điển hình ở một số nhóm ngành, như: Điện, ngân hàng, dệt may, đồ gỗ...
TIỂU MY