Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ phân loại rác tại nguồn

Cập nhật: 20-06-2023 | 07:59:40

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường, tận dụng triệt để mọi nguồn lợi từ rác, thời gian qua nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác thải sinh hoạt (RTSH) tại nguồn, qua đó hình thành thói quen tốt trong cộng đồng.

 Hộ ông Dương Kim Lý, khu phố Thống Nhất 1, phường Dĩ An, TP.Dĩ An tuân thủ triệt để phân loại rác từ nhiều năm nay

 Lan tỏa ý thức

Theo bà Quách Kim Oanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Dĩ An, RTSH nếu không được xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, gây mất mỹ quan đô thị. Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Chương trình Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp thực hiện chương trình giảm thiểu rác thải trên địa bàn thành phố. Chương trình thí điểm tại các khu dân cư Biconsi phường Tân Bình, khu nhà ở thương mại đường sắt (DA1) và khu đô thị thương mại - dịch vụ Sóng Thần thuộc phường Dĩ An. Qua triển khai thực hiện đã nâng cao nhận thức, thói quen phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng dân cư.

Có mặt tại khu nhà ở DA1, chúng tôi dễ dàng nhận thấy các căn nhà ở liền kề đều sạch sẽ, khang trang. Mỗi hộ dân đều được trang bị 2 thùng rác vô cơ và hữu cơ. Ngoài ra các hộ dân nơi đây đều tự bỏ kinh phí trang bị một bể rác âm trước cửa nhà để bảo đảm mỹ quan. Chị Lê Thị Hương, người dân sinh sống tại đường số 2, khu DA1, cho biết: “Từ khi được phổ biến, tuyên truyền về chương trình phân loại rác thải tại nguồn các thành viên trong gia đình đã hình thành thói quen phân loại, đổ rác đúng ngày, không còn tình trạng đổ lẫn các loại rác thải chung vào nhau”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Khánh Hà cũng cho rằng: “Mới đầu người dân còn rất bỡ ngỡ trong việc phân loại, sau khi được tập huấn, hướng dẫn đến nay chúng tôi đã quen. Rác vô cơ và hữu cơ được gia đình phân loại vào 2 thùng khác nhau đặt trong nhà. Đúng thứ hai, thứ tư, thứ sáu sẽ mang rác vô cơ và thứ năm là rác hữu cơ ra bể rác âm, sau đó đơn vị thu gom mang đi xử lý. Việc phân loại rác thải tại nguồn trước tiên là giữ gìn vệ sinh môi trường cho chính gia đình mình, góp phần bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị”.

Tại khu đô thị thương mại - dịch vụ Sóng Thần tập trung nhiều hộ dân buôn bán, kinh doanh song công tác phân loại RTSH vẫn luôn được bảo đảm. Ông Dương Kim Lý, nhà số 62, đường N4, phấn khởi cho biết gia đình luôn tuân thủ việc phân loại rác thải tại nhà. Những gia đình có từ 4 - 6 thành viên được hỗ trợ 2 thùng rác vừa, các hộ kinh doanh tự trang bị thêm 2 thùng rác lớn để bảo đảm sức chứa. Đơn vị thu gom thực hiện rất đúng thời gian. Nếu gia đình không phân loại, đơn vị thu gom sẽ từ chối mang đi xử lý.

Ông Bùi Xuân Hà, Bí thư Chi bộ 3, khu phố Thống Nhất 1, chia sẻ: “Phường Dĩ An đã thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn gồm 800 hộ dân. Để thực hiện công tác phân loại, thu gom hiệu quả, mỗi khu vực được chia làm 3 tổ để tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Đặc biệt, cấp ủy, các tổ trưởng, tổ phó trong tổ dân sự phải gương mẫu thực hiện sau đó mới lan tỏa tới người dân xung quanh”.

Nâng cao hiệu quả

Những năm qua, nhiều địa phương đã áp dụng hiệu quả nhiều mô hình thí điểm phân loại RTSH. Điển hình như mô hình tại khu phố 1, 2 phường Uyên Hưng (TP.Tân Uyên), hay mô hình phân loại rác, ủ rác hữu cơ được thí điểm tại xã Đất Cuốc và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên)... Thực tế cho thấy, với tốc độ đô thị hóa nhanh, cư dân đông đúc, RTSH cũng phát sinh nhiều hơn. Do vậy, việc áp dụng hiệu quả biện pháp thu gom, xử lý rác thải kịp thời sẽ góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo đảm mỹ quan.

Ông Võ Tường Văn, Chủ tịch UBND phường Dĩ An, cho biết: “Với sự điều hành chỉ đạo của Ban điều hành dự án cũng như sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đoàn kết chung tay của tất cả các tổ chức, cá nhân đã góp phần vào việc giữ gìn môi trường luôn xanh - sạch - đẹp, tái tạo nguồn tài nguyên.

Anh Phạm Cung, thành viên tổ thu gom rác của Hợp tác xã An Bình, phường Dĩ An, TP.Dĩ An, chia sẻ tổ luôn thực hiện đúng thời gian, bảo đảm thu gom hết lượng rác theo ngày quy định. Trong quá trình thu gom, xử lý, nếu hộ dân nào phân loại rác thải chưa đúng, tổ thu gom sẽ nhắc nhở phân loại lại và cương quyết không thu gom. Dễ dàng nhận thấy, để nâng cao hiệu quả việc phân loại RTSH cần có sự thống nhất đồng bộ, thực hiện đúng theo quy định của cả hệ thống, đặc biệt là sự chung tay của người dân.

 Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, qua đó đã đạt được một số kết quả nhất định và mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt 98,4%. Tỉnh cũng đã triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Bến Cát. Đồng thời, tỉnh đã đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân compost với tổng công suất 1.680 tấn/ngày, đáp ứng mục tiêu tái chế chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=643
Quay lên trên