Chủ động nắm bắt cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Kỳ cuối

Cập nhật: 01-01-2016 | 06:40:13

Kỳ cuối: Doanh nghiệp Bình Dương chủ động trước AEC

 Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Chính vì thế, theo nhận định chung của cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương, việc chủ động trước AEC là yếu tố then chốt để vững bước hội nhập.

 Chủ động nắm bắt thời cơ

Theo các chuyên gia đánh giá, nếu xét mối quan hệ trong AEC thì Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất bởi nền kinh tế mới phát triển của nước ta phụ thuộc rất lớn vào ngoại thương. Một số ngành được dự báo sẽ tăng trưởng cao, thậm chí là rất cao như vận tải hàng hóa, da giày, dệt may hay nông nghiệp chế biến. Tuy nhiên, cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, mọi liên kết kinh tế khác thì AEC sẽ có tác động xấu đến không ít ngành nghề, doanh nghiệp khác nhau. Trong đó, có một số ngành mà Việt Nam sẽ bị thu hẹp ít nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp sẽ bị phá sản.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Phó Trưởng đoàn đàm phán AEC của Việt Nam cho rằng, một số ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều, nhưng các ngành dịch vụ, thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Riêng ngành nông nghiệp, ông Thái đánh giá sẽ là ngành bị tác động nhiều nhất, buộc bà con nông dân Việt Nam phải thay đổi cách nghĩ, cách làm mới có thể sòng phẳng cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines…

Cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương tự tin bước vào sân chơi AEC. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

Để chủ động trước AEC, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, nhanh chóng tận dụng những lợi thế và ưu đãi để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Trước mắt, các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực này, để trong một vài năm tới các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vừa tăng thị phần vừa giảm nhập siêu và tiến tới từng bước cân bằng cán cân thương mại trong buôn bán với các quốc gia thành viên ASEAN.

AEC đã chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của Bình Dương sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để tận dụng được điều này, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định cơ hội thị trường và đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (Khu công nghiệp Sóng Thần 3, TP.Thủ Dầu Một) cho biết, trong những năm qua, công ty chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang các nước khu vực Đông Nam Á nên việc AEC thành lập có tầm ảnh hưởng rất lớn. Chính vì thế, bản thân Công ty Đại Thiên Lộc trong nhiều năm qua đã cố gắng hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trên mức 40% để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Thực hiện điều này không dễ, tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng tập thể cán bộ, nhân viên công ty hiểu đây chính là yếu tố sống còn trong hội nhập AEC nên quyết liệt thực hiện bằng được.

Tự tin bước vào AEC

Tại Bình Dương hiện nay, vốn đầu tư trực tiếp cũng như kim ngạch xuất, nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN chiếm tỷ lệ rất lớn. Chính vì thế, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng lẫn doanh nghiệp trong nước đều cần phải nắm thế chủ động trước thềm hội nhập.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương, trước mắt doanh nghiệp phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập và đối mặt với xu thế mới như tự do hóa đầu tư, thương mại, giảm và xóa bỏ thuế quan, đơn giản hóa thủ tục, hình thành tiêu chuẩn hàng hóa chung… Đây là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp may mặc nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương nói chung khi AEC chính thức có hiệu lực. Doanh nghiệp cần liên tục cải cách quy tắc xuất xứ, đưa ra những điều chỉnh cần thiết để thích ứng với những thay đổi trong quy trình sản xuất toàn cầu; bên cạnh đó hàng hóa phải đáp ứng được những tiêu chí, quy định về xuất xứ mới được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Tính đến cuối tháng 12- 2015, Bình Dương thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cao gấp hàng chục lần so với năm 1997, thời điểm mới tái lập tỉnh. Quy mô nền kinh tế toàn tỉnh đến nay ước đạt hơn 142.000 tỷ đồng, gấp 36,4 lần thời điểm năm 1997, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 14,8%. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng gấp 23 lần; giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 216.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng 41,6 lần… Sự phát triển nhanh chóng đó không thể không kể đến đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương.

Ông Trần Ngọc Chu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho biết: “Thoạt đầu, nhiều người sẽ nhìn ra nhiều khó khăn, trở ngại của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong “cuộc chơi” AEC, mà xa hơn là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, tôi tin rằng với kinh nghiệm dày dạn trong suốt một quá trình dài hơi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước đây là lớn mạnh không ngừng, cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương sẽ vững chân trên thị trường. Không những thế, doanh nghiệp của Bình Dương chắc chắn sẽ khai thác tối đa cơ hội, lợi thế khi gia nhập AEC”.

Ngoài sự nỗ lực, cố gắng từ cộng đồng doanh nghiệp thì chính sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương cũng là một nguồn lực quan trọng để đội ngũ doanh nhân trong tỉnh vững chân tiến bước vào AEC. Trong những năm qua, sự cầu thị và tích cực từ địa phương đã góp phần quan trọng việc tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo sức mạnh to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp của Bình Dương. Lãnh đạo các cấp trong tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, xem những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh để từ đó có biện pháp tháo gỡ. UBND tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của doanh nghiệp. Chính sự trọng thị và gần gũi này đã tạo thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư. Và cũng chính sự trọng thị ấy là niềm tin, động lực to lớn để cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương vững vàng bước vào AEC bằng tâm thế chủ động.

 Đến nay, toàn tỉnh đã có 21.051 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn 157.000 tỷ đồng và 2.573 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 23,3 tỷ USD. Trong đó có những dự án tầm cỡ quốc tế, góp phần dần đưa Bình Dương khoác lên mình “tấm áo” công nghiệp - đô thị hiện đại trong tương lai gần. Chính vì thế, có thể khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương sẽ vững tâm tiến bước vào AEC, sớm khẳng định vị thế, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của mình để tận dụng thời cơ do AEC mang lại.

 

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=762
Quay lên trên