Chủ động nắm bắt cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN – kỳ 6

Cập nhật: 30-12-2015 | 06:56:33

Kỳ 6: Tăng cường thu hút đầu tư

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính là cơ hội lớn cho nhà đầu tư nội khối tiếp tục rót vốn vào Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng trong tương lai gần, sau khi AEC có hiệu lực, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nội khối lẫn ngoại khối sẽ tiếp tục tăng mạnh vào các địa phương của Việt Nam.

 8 nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính đến nay đã có 8 nước trong ASEAN đăng ký vốn FDI tại Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia với 2.681 dự án, tổng vốn đầu tư 56,32 tỷ USD. Các nước này đã đầu tư vào 18 ngành kinh tế của Việt Nam. Điều này cho thấy sự đa dạng trong việc lựa chọn ngành nghề đầu tư của nội khối ASEAN.

AEC chính là cơ hội lớn để Bình Dương tiếp tục thu hút vốn đầu tư nội khối lẫn ngoại khối ASEAN trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Quốc tế Chutex. Ảnh: X.THI

Lĩnh vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư các nước trong ASEAN là công nghiệp chế biến, chế tạo (1.009 dự án và 22,2 tỷ USD, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn FDI của các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam). Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đa phần các dự án là từ nhà đầu tư Singapore (438 dự án và 13,4 tỷ USD, chiếm 43% tổng số dự án và 60% tổng vốn FDI của các nước ASEAN đầu tư vào ngành này tại Việt Nam). Tiếp đến là Thái Lan (184 dự án và 5,7 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng số dự án và 26% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là Malaysia (225 dự án và 1,98 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng số dự án và 9% tổng vốn đầu tư).

Trong 8 nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam, Singapore đứng đầu với 1.456 dự án và tổng vốn đầu tư là 33,45 tỷ USD (chiếm 59% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam). Singapore còn đứng thứ 3/105 nước đầu tư tại Việt Nam tính đến thời điểm báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài của Singapore không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Các dự án đầu tư của Singapore hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể vào việc giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đứng thứ hai là Malaysia với 505 dự án và 13,3 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 24% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam). Thái Lan đứng thứ ba với 403 dự án và gần 7 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 12% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam).

Đến nay, các nhà đầu tư khối ASEAN đã có mặt tại 56/63 địa phương trong cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố và địa phương lớn - nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Dương... Trong đó, TP.Hồ Chí Minh đứng thứ nhất về thu hút dự án của các nước trong ASEAN với 1.169 dự án và 16,07 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 29% tổng vốn đăng ký đầu tư của các nước trong ASEAN tại Việt Nam).

Bình Dương, điểm sáng thu hút đầu tư từ ASEAN

Với lợi thế về chính sách thông thoáng, cơ sở hạ tầng tốt, những năm qua Bình Dương đã trở thành điểm sáng thu hút đầu tư từ các nước trong ASEAN; trong đó đáng kể nhất là sự gắn kết thâm giao giữa Singapore và Bình Dương. Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh trước đây (nay là Bí thư Tỉnh ủy) cho biết, hiện nay trong số các nhà đầu tư lớn vào Bình Dương, tuy Singapore chỉ đứng thứ 4 về quy mô đầu tư nhưng mối quan hệ giữa hai bên là rất sâu sắc. Trong những năm qua, sự hợp tác toàn diện giữa Bình Dương và Singapore rất tốt, mang lại hiệu quả cao, mà đỉnh cao là các Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP).

Ông Chu Ying Piao, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Quốc Tế Chutex (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TX.Dĩ An) cho biết: “Tôi đến Bình Dương lần đầu tiên cách đây 20 năm theo một phái đoàn ngoại giao của Chính phủ Singapore để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngay từ khi ấy, tôi đã thấy tiềm năng to lớn trong việc hợp tác, làm ăn ở địa phương này. Thực tế, khi dự án đầu tư vào Bình Dương, chúng tôi đã được địa phương tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều. Tôi nghĩ, khi AEC chính thức có hiệu lực sẽ còn nhiều nhà đầu tư Singapore lẫn đối tác của doanh nghiệp Singapore tìm đến Bình Dương làm ăn”.

Tính đến nay, Singapore có 138 dự án đầu tư ổn định, sinh lợi cao và thân thiện với môi trường vào Bình Dương, tổng số vốn 1,722 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Bình Dương. Ông Hoàng Đức Hiền, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi luôn luôn xem Bình Dương là đối tác toàn diện, tin cậy để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Bình Dương là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư Singapore. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự thành công của mô hình KCN VSIP và những cơ hội lớn lao mở ra từ AEC, ngay từ năm 2016, sẽ còn nhiều nhà đầu tư Singapore nói riêng và thế giới nói chung rót vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương”.

Trong số các dự án đầu tư của các quốc gia trong ASEAN vào tỉnh Bình Dương, điển hình có Công ty Liên doanh KCN VSIP. Có thể nói, KCN VSIP là một biểu tượng của sự hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore. Từ khi thành lập đến nay, các KCN VSIP tại Bình Dương đã thu hút 21 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 3.834 tỷ đồng và 426 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó có nhiều tập đoàn lớn và nhiều công ty, tập đoàn tập trung vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh lớn như linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng, cơ khí chính xác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Malaysia…

Sự thành công của KCN VSIP cũng là cánh cửa mở ra cho cơ hội đầu tư nội khối lẫn ngoại khối cho ASEAN khi AEC có hiệu lực. Đây là ví dụ điển hình cho thấy sự hợp tác thành công khi các nước trong khối bắt tay nhau mời gọi đầu tư và thu hút FDI để phát triển kinh tế đất nước. Bình Dương, với sự năng động, sáng tạo của mình, từ 20 năm trước đã mở rộng hợp tác đầu tư nội khối. Như vậy, với sự kiện AEC chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 tới, Bình Dương sẽ tiếp tục trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nội khối lẫn ngoại khối ASEAN. Đây chính là thời cơ và cũng là thách thức không nhỏ cho Bình Dương trong công tác xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư trong thời gian tới.

 Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, FDI từ nước này vào ASEAN đã đạt gần 23 tỷ USD, trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ hai vào ASEAN và chiếm 18,7% tổng vốn FDI vào ASEAN. Trong vòng 10 năm qua, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào ASEAN đã tăng gấp 10 lần và kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Nhật Bản tăng 2,4 lần. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 281 tỷ USD trong năm 2015. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi AEC chính thức có hiệu lực, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ tăng mạnh hơn nữa do nhà đầu tư nhận rõ cơ hội, tiềm năng và lợi thế khi đầu tư vào ASEAN; đặc biệt là vào các thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam, Myanmar, Thái Lan…

 

 KHÁNH VINH

 Kỳ 7: Vượt qua thách thức

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1318
Quay lên trên