Chủ động phương án, bảo đảm an toàn đê điều trong mưa lũ

Cập nhật: 22-04-2020 | 04:01:27

Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa năm nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong đó, ban đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi xung quanh vấn đề này.

 Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đang nỗ lực bảo đảm an toàn hồ đập trước mùa mưa bão năm nay. Trong ảnh: Kiểm tra hệ thống thủy lợi hồ Từ Vân I, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (ảnh chụp thời điểm trước dịch bệnh Covid-19 xảy ra)

 - Thưa ông, trước mùa mưa bão Chi cục Thủy lợi đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh như thế nào?

- Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kế hoạch số 545/SNN-XDCT ngày 25- 3-2020 về kiểm tra công trình thủy lợi, đê bao, tiêu thoát nước trước mùa mưa lũ, trong đó đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thực hiện một số nội dung trọng tâm; tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình thủy lợi, đê bao, phòng chống thiên tai và tiêu thoát nước trên địa bàn do địa phương, đơn vị mình quản lý. Đặc biệt các địa phương phải kiểm tra kỹ các hồ chứa nước, các cống dưới đê bao ven sông, trạm bơm, đê bao, bờ bao ngăn triều, chống lũ, hệ thống kênh tiêu thoát lũ; kiểm tra chi tiết các bộ phận xung yếu của công trình như cửa van, máy đóng mở, mái đập thượng, hạ lưu, tràn xả lũ, cống dưới đập của các hồ chứa nước; các công trình mới đưa vào khai thác sử dụng, mới được sửa chữa nâng cấp và các hồ chứa nước nhỏ cũng cần được kiểm tra.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra một số công trình trọng điểm do TP.Thuận An, huyện Bắc Tân Uyên, Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn, Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Cảnh, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương quản lý. Trên cơ sở báo cáo của các chủ đập, hồ chứa, Chi cục Thủy lợi cũng đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả đánh giá, 6/6 hồ chứa trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn. Cùng với công tác kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ, Chi cục Thủy lợi tăng cường kiểm tra công tác vận hành các công trình theo đúng quy trình, quy phạm được phê duyệt, yêu cầu các đơn vị quản lý rà soát, đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền khẩn trương điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm an toàn công trình.

- Để chủ động đối phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, ngành có các giải pháp như thế nào, thưa ông?

- Để chủ động, kịp thời trong công tác phòng, chống thiên tai và bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, đê bao, phòng chống thiên tai và tiêu thoát nước trước mùa mưa lũ năm 2020, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý công trình tăng cường công tác quản lý đê điều, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của các cơ quan chuyên môn và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án vận hành bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, công trình hồ chứa và vùng hạ du. Huy động mọi nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm đối với các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão, triều cường. Đặc biệt, quan tâm xử lý dứt điểm các cống dưới đê bao bị sự cố trong thời gian qua.

Triển khai phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đê điều; phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập, hồ chứa; đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước và đê bao xung yếu. Phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý sự cố. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và đề xuất kinh phí sửa chữa, khắc phục; sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du…

Cùng với đó, đề nghị UBND các xã, phường có đê bao chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê bao, đặc biệt là các vị trí đê bao xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện có bão, lũ; tổ chức phát quang mái đê, chân đê, trong phạm vị bảo vệ đê điều để phục vụ công tác quản lý và xử lý các sự cố giờ đầu trong mùa mưa lũ; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê bao trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê bao, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình theo quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

THOẠI PHƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên