Chủ động thích ứng, sản xuất tiếp tục phát triển

Cập nhật: 08-07-2022 | 07:17:18

Nhờ sự chủ động ứng phó với những thách thức, chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) ổn định, chăm lo tốt đời sống người lao động.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Panko Vina (TX.Bến Cát)

 Tăng trưởng vẫn duy trì

Sau dịch bệnh Covid-19, nhất quán phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt”, kinh tế Bình Dương đã có mức tăng trưởng ổn định. Vượt lên trên những khó khăn, thách thức chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) của Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 417 DN ngành công nghiệp chế biến cho thấy có 38,1% số DN đánh giá tình hình SXKD quý II-2022 tốt hơn so với quý I; 37,9% DN cho rằng tình hình SXKD ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết trong 6 tháng đầu năm, UBND thành phố đã tập trung triển khai tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, giá trị SXCN trên địa bàn ước thực hiện 134.340 tỷ đồng, tăng 5,61% so với cùng kỳ và đạt 52,75% nghị quyết HĐND thành phố. .Các DN trong nước ước thực hiện 39.830 tỷ đồng, tăng 4,27% so với cùng kỳ, chiếm 29,6% tổng giá trị SXCN. DN có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 94.510 tỷ đồng, tăng 6,19% so với cùng kỳ, chiếm 70,4% tổng giá trị SXCN. Các ngành có giá trị sản xuất tăng của thành phố như chế biến thực phẩm và đồ uống, giày dép, sản phẩm may mặc, sản phẩm mộc, các sản phẩm từ kim loại.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết 6 tháng đầu năm, UBND thị xã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Kinh tế thị xã tiếp tục tăng trưởng khả quan, phục hồi tích cực. Các DN trên địa bàn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì đơn hàng, ổn định đời sống người lao động, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước. Giá trị SXCN, xây dựng ước đạt 12.970 tỷ đồng, tăng 11,92% so với cùng kỳ, đạt 39,34% so với nghị quyết HĐND thị xã. Khu vực kinh tế trong nước đạt 4.296 tỷ đồng, tăng 11,15% so với cùng kỳ, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 8.674 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, SXCN của tỉnh gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, giá tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào cho sản xuất gia tăng. Tuy nhiên, DN vẫn trụ vững và phát triển hoạt động SXKD. Tỉnh đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm.

Xác nhận điều này, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cũng cho rằng, do lạm phát tăng nên người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU thắt chặt chi tiêu và chỉ sử dụng đồng tiền kiếm được cho những mặt hàng thiết yếu. Thực tế đó dẫn tới đơn hàng ngành gỗ của một số khách hàng đang giảm sản lượng. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu gỗ nửa đầu năm 2022 giảm tốc so với cùng kỳ năm 2021 còn đến từ chi phí logistics rất cao. Chi phí vận chuyển cao cũng dẫn đến xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang các nước để tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý.

“Tuy khó khăn phải đối mặt là lớn song các DN nỗ lực tìm thêm đơn hàng trong và ngoài nước nhằm mở rộng sản xuất và tiêu thụ. Chúng tôi đang kỳ vọng những tháng cuối năm tình hình sẽ ổn định trở lại, đơn hàng sẽ về và chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm nhiều biến động này”, ông Liêm cho biết thêm.

Hiện nay, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine làm căng thẳng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều DN có vốn đầu tư trong nước vẫn trụ vững và phát triển là nhờ có sự linh hoạt, kịp thời thích ứng để nhận được những đơn hàng từ đối tác. “Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại tự do trong xu thế toàn cầu hóa và tự do thương mại quốc tế. Vì vậy, khi xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch diễn ra, các nước lớn điều chỉnh chính sách kinh tế sẽ tác động rất mạnh đến kinh tế. DN chúng tôi chủ động thương lượng với các đối tác để cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, chờ đợi một sự khởi sắc trong thời gian tới”, ông Byun Jae Woong, Giám đốc điều hành Công ty Panko Vina (TX.Bến Cát) lạc quan nói.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Những con số đạt được trong các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất trong 6 tháng đầu năm rất đáng khích lệ, tạo tiền đề vững vàng cho sự tăng trưởng trong tình hình nhiều khó khăn thách thức như hiện nay. Với tình hình phát triển đó sẽ tạo điều kiện cho các chỉ số trong 6 tháng cuối năm đạt được mục tiêu tăng trưởng mà HĐND tỉnh đề ra cho cả năm 2022. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp, trong đó có ngành công thương quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, nhằm tạo thêm động lực, sức mạnh cho DN vươn tới.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=791
Quay lên trên