Hai cơn mưa lớn liên tiếp diễn ra vào chiều tối 16 và 17-10, cùng với đó là triều cường làm cho mực nước các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính dâng cao gây ra tình trạng ngập úng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh Bình Dương.
Mưa lớn vào chiều tối 17-10 đã làm ngập sâu nhiều nơi ở khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh,TX.Thuận An Ảnh: Phùng Hiếu
Mực nước các hồ đang xuống
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi cho biết, sau 2 cơn mưa lớn diễn ra mới đây, hiện mực nước tại các hồ chứa của tỉnh đang dần giảm xuống. Cụ thể, mực nước đo được vào sáng 19-10 tại hồ Cần Nôm là 15,05m, hồ Từ Vân I là 22,4m, hồ Từ Vân II 18,6m, hồ Suối Giai 62,15m, hồ Đá Bàn 36,8m... Theo Chi cục Thủy lợi, trong những ngày tới, nếu lượng mưa giảm, mực nước tại các hồ trên địa bàn tỉnh sẽ xuống dưới mức báo động 2. Trong khi đó, mực nước hồ Dầu Tiếng vào ngày 17-10 là 22,85m, ngày 18-10 là 22,94m, trong sáng 19-10 là 23,11m; cao hơn từ 1 - 2m so với cùng thời điểm năm 2015. Ngoài nguyên nhân mưa lớn trên diện rộng tại khu vực Đông Nam bộ, triều cường diễn ra cũng làm mực nước các sông đi qua địa bàn tỉnh dâng cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng mưa diễn ra ngày 16-10 đo được tại TP.Thủ Dầu Một lên tới 174,1mm gây thiệt hại về sản xuất của nhiều gia đình trên địa bàn. Mưa lớn và triều cường còn gây tràn bờ một số vị trí, ngập nhiều vườn rau và hoa màu của người dân các phường Phú Thọ, Tương Bình Hiệp, Chánh Nghĩa… Trong khi đó, 2 tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và đại lộ Bình Dương đoạn trũng thấp gần Siêu thị Metro bị ngập sâu khiến cho giao thông đi lại khó khăn, chỗ ngập sâu nhất lên tới hơn 1m. Đặc biệt, tại vị trí trũng nhất là cống qua đường Nguyễn Thị Minh Khai, dòng nước chảy xiết đã cuốn hàng chục chiếc xe máy của người dân trôi xuống suối Cát khiến người dân phải vất vả trục vớt. Tại TX.Thuận An, trận mưa lớn chiều 16-10 kết hợp với triều cường đã gây ngập trên diện rộng, trong đó các xã phường An Sơn, Hưng Định, An Thạnh và Bình Nhâm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đoạn bờ bao rạch Vàm Búng từ Nhà thờ Vinh Sơn đến đê bao An Sơn - Lái Thiêu nước lên cao tràn bờ bao gây ngập úng, làm hư hại khoảng 6 ha diện tích đất sản xuất của người dân trong khu vực trồng lúa và hoa màu. Hiện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thị xã đang phối hợp với Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi - nước sạch nông thôn cùng người dân khắc phục thiệt hại do ngập úng để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ngành nông nghiệp đang thống kê thiệt hại
Đến sáng 19-10, thiệt hại do cơn mưa vào chiều ngày 17-10 vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể. Mới có một số địa phương TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một báo cáo sơ bộ về thiệt hại, chủ yếu tập trung vào thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản của người dân. Thống kê thiệt hại về chăn nuôi, trồng trọt đang được Chi cục Thú y, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh gấp rút thực hiện. So với đợt mưa tương đối lớn diễn ra liên tục trong 3 ngày cuối tháng 9 vừa qua, thiệt hại do 2 cơn mưa diễn ra ngày 16 và 17-10 chắc chắn sẽ nhiều hơn vì đây được coi là đợt mưa kỷ lục có kết hợp với triều cường từ nhiều năm qua. Theo thống kế, thiệt hại do mưa lớn gây ra từ ngày 23 đến 26-9 gồm 10.738 cây cao su bị đổ gãy, 102,4 ha lúa bị mất trắng, 141 ha lúa bị ảnh hưởng, hơn 86 ha rau màu bị thiệt hại. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, đợt mưa vừa qua ngành chăn nuôi cũng bị thiệt hại, nặng nhất là TP.Thủ Dầu Một với hơn 1.000 con gia cầm bị chết do nước ngập. Đối với ngành trồng trọt, hàng ngàn ha cây ăn trái của TX.Thuận An bị ngập, hiện đang tiêu thoát nước tốt. Trong khi đó, diện tích hoa màu trên địa bàn tỉnh chưa thể thống kê thiệt hại nhưng chắc chắn sẽ nặng nề do bị ngập chìm sâu trong nước do hai cơn
Thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến cơ sở; cùng với đó ban hành quy chế hoạt động, cơ chế vận hành tổ chức, xây dựng kế hoạch, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cấp, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ trong việc tham gia cứu nạn; triển khai học tập và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về phòng chống thiên tai, Luật Phòng chống thiên tai; đồng thời tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân có ý thức cảnh giác và sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Theo thống kê, từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 37 đợt lốc xoáy, làm sập 23 căn nhà, tốc mái 391 căn, chết 1 người, bị thương 5 người; thiệt hại hơn 13,323 tỷ đồng. |
mưa lớn diễn ra ngày 16 và17-10 gây ra. Để đối phó với diễn biến thời tiết thất thường và biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều giải pháp. Trong năm 2016, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020. Để chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời và có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3-2-2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai hàng năm với các tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn; đồng thời tập trung hoàn thiện kế hoạch phòng chống thiên tai 5 năm (giai đoạn 2016-2020). UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1699/QĐ-UBND ngày 30-6-2015 quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp trong tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu một số sở, ngành phải thành lập Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị. Một số sở, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xem xét quyết định thành lập Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị mình. Từ những thiệt hại do mưa lớn xảy ra những ngày qua cho thấy, các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh cần chủ động ứng phó với thời tiết thất thường, nhất là vùng xung yếu dễ bị ảnh hưởng của triều cường; không nên chủ quan trong mọi tình huống dẫn đến thiệt hại đáng tiếc diễn ra.
Giá rau, quả tăng mạnh
Ảnh hưởng của 2 cơn mưa lớn xảy ra ngày 16 và 17-10 đã khiến giá cả mặt hàng rau củ quả tại Bình Dương tăng gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường. Ghi nhận của phóng viên Báo Bình Dương tại chợ Búng, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu hôm qua (19-10) cho thấy, cải ngọt giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, rau muống 25.000 - 30.000 đồng/kg, hành lá 60.000 - 70.000 đồng/kg…Trong khi đó, giá thịt heo, gà cũng tăng nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Xuân Vĩ