Chiều qua (16-7), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chủ trì cuộc họp nghe đoàn giám sát báo cáo kết quả công tác giám sát quy hoạch và đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo của đoàn giám sát cho biết, hệ thống giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh phát triển nhanh, đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh. Để bảo đảm sự phát triển bền vững cho địa phương, ngành GD-ĐT cũng đã có những định hướng lớn trong đó, một trong những giải pháp quan trọng và cấp bách là quy hoạch và đầu tư phát triển trường lớp, bảo đảm sau khi xây dựng hoàn chỉnh các trường học đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Cụ thể, thành lập và xây dựng các trường mầm non, tiểu học tại các xã, phường, thị trấn mới tách; xây dựng mới đáp ứng yêu cầu phát triển hàng năm; phấn đấu cấp học mầm non đạt 100% cháu nhà trẻ, học sinh mẫu giáo được học bán trú, 70% trường tiểu học có lớp học 2 buổi/ngày, nhân rộng thí điểm trường học 2 buổi/ngày ở cấp trung học; tách cấp 2 ra khỏi các trường cấp 2, 3; tăng cường đầu tư cho trường chuyên, trường chất lượng cao, trường tạo nguồn; xây dựng cơ sở vật chất trường học bảo đảm thực hiện tốt đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi” giai đoạn 2011-2015; việc xây dựng phải đạt tiêu chí nông thôn mới về GD-ĐT tại 30 xã thực hiện thí điểm xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; nâng tỷ lệ lầu hóa cơ sở vật chất trường học; nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 60 - 65% trường công lập các cấp đến năm 2015.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chỉ đạo, các sở, ngành, huyện, thị, thành phố cần quan tâm quy hoạch, tạo quỹ đất, sử dụng quỹ đất để phát triển giáo dục. Công tác đầu tư cần tập trung, vốn đầu tư ưu tiên giải quyết cho các huyện, thị, thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên sẽ rà soát lại cơ sở vật chất trường lớp; huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng giãn tiến độ xây dựng... Việc xây dựng theo hướng kiên cố hóa, gắn chuẩn hóa theo định hướng phát triển đô thị hóa. Các cấp đầu tư theo hướng đồng bộ, tránh lãng phí. Tỉnh sẽ sơ kết chủ trương xã hội hóa, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển giáo dục. Về giải pháp, cần quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư sát tình hình phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn. Rà soát danh mục công trình đầu tư, ưu tiên công trình chuyển tiếp, bức xúc; công tác đầu tư cần cân đối nhu cầu, danh mục đầu tư từng giai đoạn...
H.THÁI