Dạy học không chỉ là hoạt động truyền thụ kiến thức, mà cùng với đó, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng và trực tiếp trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh. Tuy nhiên, có thực tế rất đáng buồn là bên cạnh những người thầy nỗ lực hết mình cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp “trồng người” thì vẫn còn những hình ảnh xấu xí, phản cảm.
Khi năm học mới vừa bắt đầu được một thời gian ngắn, đã liên tiếp xuất hiện những hình ảnh không đẹp về người giáo viên. Các thông tin này cần tiếp tục làm rõ, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh ngành giáo dục. Điển hình là vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip một nữ sinh trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, sau đó lên cơn co giật và bị cô giáo túm áo lôi vào lớp. Rồi tới một giáo viên ở trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) chỉ tay vào mặt học sinh, thậm chí bóp cằm, mắng bằng những lời lẽ thiếu chuẩn mực. Gần đây nhất, một học sinh lớp 4 trường Tiểu học Hải Hòa (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) bị cô giáo dùng roi tre đánh bầm tím lưng vì không làm bài tập… Phải chăng học trò ngày nay khó dạy bảo hay do một bộ phận giáo viên đang quá căng thẳng, áp lực nên không kiểm soát cảm xúc dẫn đến những hành động thiếu kiềm chế?
Với tính chất đặc biệt của nghề giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể về chuẩn mực ứng xử của giáo viên đối với người học. Việc liên tiếp xuất hiện những hành động, hình ảnh phản cảm của giáo viên đã khiến nhiều người lo lắng về đạo đức nhà giáo khi họ là những người tạo nên chất lượng giáo dục, tác động trực tiếp đến sự trưởng thành, tương lai của lớp trẻ. Hàng loạt vụ việc đáng tiếc do những hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành giáo dục. Đã đến lúc ngành giáo dục cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề đạo đức, ứng xử của nhà giáo trong trường học để sớm có biện pháp, chế tài mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các thầy, cô giáo có hành vi lệch chuẩn.
Giáo viên có thể thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng luôn phải giữ chuẩn mực đạo đức, làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Một khi đã chọn nghề giáo nghĩa là người giáo viên buộc phải gắn mình với nhiều chuẩn mực bắt buộc với những khuôn phép lễ giáo, quy định của ngành, để xứng đáng với trách nhiệm “trồng người” cao cả.
HỒNG PHƯƠNG