Chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức

Cập nhật: 18-10-2023 | 08:34:18

 TX.Bến Cát là một trong những địa phương đầu tiên triển khai thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi thói quen, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội văn minh.

 Các đơn vị trên địa bàn TX.Bến Cát vừa tổ chức Ngày hội đổi chất thải lấy quà tặng

Kết quả bước đầu

Theo thống kê, hiện nay tổng số chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TX.Bến Cát khoảng hơn 230 tấn/ngày. Toàn bộ khối lượng chất thải này được thu gom, vận chuyển về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để phân loại, xử lý, một phần được sử dụng làm phân compost, một phần được chôn lấp an toàn. Đây là giải pháp tạm thời, nhằm giảm áp lực lên môi trường, chưa phải là giải pháp tối ưu để mang lại hiệu quả quản lý cao nhất.

Bà Đặng Thị Phương Kha, Trưởng phòng TN&MT TX.Bến Cát, cho biết khi triển khai thí điểm, người dân được hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn theo 2 loại rác hữu cơ và vô cơ, được bỏ vào 2 thùng rác có màu sắc khác nhau. Bên cạnh đó, thời gian qua địa phương đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân có thêm thông tin, kiến thức bổ ích về hiện trạng môi trường tại địa phương; đồng thời nâng cao nhận thức của các hộ gia đình về tầm quan trọng của việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình để thực hiện chương trình một cách hiệu quả, từ đó nhân rộng chương trình trên toàn địa bàn thị xã.

Theo kết quả khảo sát cho thấy trong chất thải rắn sinh hoạt, thành phần hữu cơ dễ phân hủy, có khả năng chế biến thành phân compost chiếm đến 70% và có 10% các thành phần có khả năng tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác, những thành phần phải xử lý chiếm khoảng 20%. Chính vì vậy, nếu kiểm soát tốt các thành phần này ngay tại nguồn, sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí để thực hiện cho việc vận chuyển, xử lý; tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là giảm ngay nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra.

Để chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị xã đạt hiệu quả, bà Đặng Thị Phương Kha cho rằng cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, thực hiện một cách đầy nhiệt huyết, quyết tâm. Cùng với đó, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện phân loại thu gom, vận chuyển rác, xử lý rác, gắn với phong trào thi đua bảo vệ môi trường tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư...

 Cần có ý thức, trách nhiệm

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ công chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn thị xã trong thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, quan tâm thực hiện chương trình, UBND TX.Bến Cát đã ban hành kế hoạch giai đoạn 2 023-2024.

Theo đó, kế hoạch có mục đích từng bước thay đổi thói quen, tiến tới nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn TX.Bến Cát trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm góp phần giảm các áp lực về rác thải lên môi trường; tăng cường các hoạt động tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý; kiện toàn dần hệ thống mạng lưới thu gom, vận chuyển, đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển, xử lý/tải chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định.

UBND TX.Bến Cát cũng yêu cầu sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và người dân trong việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có liên quan. Cơ chế, chính sách cần cơ bản đáp ứng các điều kiện tổ chức triển khai thực hiện.

Đến cuối năm 2023, thị xã kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã, như: Lựa chọn điểm tập kết, trạm trung chuyển (nếu có), phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; xây dựng và ban hành lộ trình/tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại...; hoàn thiện tài liệu, nội dung tuyên truyền hoạt động phân loại; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thu gom, tiểu thương, cơ sở kinh doanh - dịch vụ, cá nhân, hộ gia đình thực hiện phân loại.

Đến cuối năm 2024, tất cả các xã, phường trên địa bàn thị xã phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và đáp ứng các mục tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bản xã Phú An (thí điểm) được thu gom, xử lý đạt từ 70%, tại các xã, phường còn lại được phân loại đạt từ 60% trở lên.

 PHƯƠNG ANH - HỮU TẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=510
Quay lên trên