An toàn vệ sinh thực phẩm không phải là vấn đề mới mà đã được nhắc đến, bàn luận từ nhiều năm nay. Chúng ta cũng đã có Luật An toàn thực phẩm với những quy định chặt chẽ, nhưng vấn đề này cho đến nay vẫn chưa hết “nóng” khi trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm. Nhiều vụ đã gây ra những hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại tính mạng và để lại những hậu quả đau lòng.
Nói nhiều, nhắc nhiều nhưng vì sao các vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn vẫn diễn ra? Theo nhận định của các chuyên gia, vẫn còn lỗ hổng trong các bếp ăn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tại các lễ hội. Cứ đến gần tết và sau tết khi cao điểm vào mùa lễ hội, các cơ quan chức năng lại tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh ăn uống ký cam kết, cùng với đó ra quân kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, tại một số địa phương, hiệu quả của công tác này là chưa cao, số lượng vụ việc được phát hiện chưa nhiều.
Trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, ý thức người dân vẫn là yếu tố hàng đầu. Các hình thức kiểm tra, xử phạt cũng là nhằm chấn chỉnh các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức người dân về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, các hoạt động này cũng chỉ giải quyết phần ngọn. Thực tế cho thấy, khi có vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm của các cơ quan chức năng là hết sức gian nan vì thực phẩm đến tay người dùng đi qua nhiều con đường và nhiều quy trình khác nhau. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngoài việc tập trung tuyên truyền, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm thì cần có giải pháp quản lý chặt chẽ thực phẩm tại nơi sản xuất, nhất là thực phẩm từ thiện. Nếu thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các bước từ đầu vào đến đầu ra sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra.
ĐÀ BÌNH