Chuyển đổi số, hướng đi tất yếu của nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật: 04-11-2023 | 11:20:30

Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tại Bình Dương, việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương, xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công.


Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I là điển hình về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Ứng dụng mạnh khoa học, công nghệ

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Dương đã có những bước tiến vượt bậc nhờ ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến cùng với việc tận dụng những lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp canh tác thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cảm biến đã giúp nông dân tối ưu hóa việc quản lý, chăm sóc cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Từ đó giúp tăng năng suất, sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Thực tế cho thấy, thông qua việc ứng dụng công nghệ cao (CNC), ngành NN&PTNT của tỉnh đã khắc phục và giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố tự nhiên khó kiểm soát, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Tổng diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt trên toàn tỉnh hơn 6.400 ha, với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh... Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng gần 600 ha với các loại cây trồng chủ yếu như rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 24 mã số vùng trồng xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Anh, Nga, NewZealand… với tổng diện tích được cấp mã hơn 1.185 ha; 14 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chuối, mít, sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích của các cơ sở đóng gói 20.200m2. Trong đó, tập trung cho các cây trồng như: Chuối, măng cụt, sầu riêng, mít, nhãn và bưởi trên các địa bàn huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, TP.Thuận An và TX.Bến Cát.

Song song đó, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng được chuyển đổi mạnh mẽ từ hộ gia đình quy mô nhỏ sang quy mô trang trại ứng dụng CNC liên kết theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Nhiều công ty, trang trại chăn nuôi tư nhân trên địa bàn tỉnh là điểm sáng trong việc áp dụng CNC, như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, Hệ thống trại chăn nuôi Vĩnh Tân, Công ty Cổ phần 3F Việt… Ngoài ra, còn có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng CNC với quy mô lớn (Công ty Cổ phần Anova Agri Bình Dương, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, Công ty TNHH Ba Huân), với tổng diện tích đất được giao gần 570 ha.

Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu suất, nâng tầm chất lượng sản phẩm; góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nông dân. Trong đó, CĐS được xem là định hướng tất yếu và là một trong những nội dung cấp thiết hiện nay. Thông qua CĐS đã giúp nhà nông và doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng tới thông minh.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử (TMĐT) được xem là giải pháp tối ưu tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia giao dịch trên các sàn postmart.vn, Voso.vn, binhduongtrade.vn, foodmap…

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn TMĐT và 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn này. Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đặt ra mục tiêu năm 2023 có trên 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn TMĐT và có trên 60% số hộ có tài khoản thanh toán điện tử.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; được hướng dẫn đăng ký tài khoản kinh doanh, tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận. Các sản phẩm nông nghiệp được quảng bá, giới thiệu thông qua sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp sở hữu sàn, mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại. Ngoài ra, các hộ sản xuất nông nghiệp còn được hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.

Nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, ông Phạm Văn Bông cho biết ngành NN&PTNT sẽ tích cực tuyên truyền, hỗ trợ chủ thể sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, thực hiện giao dịch nông sản kết nối cung cầu trực tuyến. Đến năm 2030, ngoài nông nghiệp hữu cơ, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNC, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=812
Quay lên trên