Chuyển đổi số (CĐS) thành công trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ khắc phục được những tồn tại như mô hình sản xuất nhỏ lẻ, giá thành cao, kém phát triển cũng như thiếu liên kết chuỗi giá trị, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững.
Chuyển đổi số sẽ giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả. Trong ảnh: Ứng dụng công nghệ phun, tưới nước tự động ở Tổ hợp tác Làng mai An Tây (xã An Tây, TX.Bến Cát)
Xu hướng tất yếu
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình quản lý, sản xuất truyền thống sang số hóa bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, sản xuất của tổ chức, doanh nghiệp (DN) nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ là điều kiện tiên quyết để sản phẩm hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng của nước ta được minh bạch về quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. CĐS thành công hay không phụ thuộc vào khả năng nhận biết, kỹ năng tương tác của người dân, DN để làm tiền đề tối đa hiệu quả của CĐS.
Đi cùng với xu hướng trên, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được xem là một trong những nội dung cấp thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình CĐS quốc gia. Thời gian qua, công tác CĐS đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chú trọng, bắt tay vào triển khai. Thực tế công tác CĐS trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai.
Tại Bình Dương, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 3248/ KH-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đồng thời cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng CĐS thực hiện một số giải pháp trong quản lý, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm nông sản thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, các kênh bán hàng trực tuyến… nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất phù hợp với tình hình mới. Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bán hàng online được xem là kênh tiêu thụ sản phẩm được nhiều tổ chức và cá nhân lựa chọn. Đây được xem là xu hướng bùng nổ của TMĐT khi người tiêu dùng truy cập internet và tìm kiếm sản phẩm mua sắm trên kênh online ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng cuối năm 2021 đã có hơn 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để giao dịch mua - bán trên sàn TMĐT.
Hiện đại hóa nông nghiệp
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, CĐS trong nông nghiệp là một định hướng tất yếu, đặc biệt là các giải pháp số hóa dữ liệu trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tổ chức các hoạt động TMĐT. Cụ thể như các giải pháp về quản lý, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và bán hàng thông qua các ứng dụng trực tuyến. Đây là bước đầu để các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất nắm được ý nghĩa, phương pháp của việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu trong quản lý sản xuất và bán sản phẩm nông sản. Dù bước đầu có thể còn bỡ ngỡ nhưng đây là xu hướng tất yếu để nắm bắt, ứng dụng càng sớm càng có lợi thế trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Các trang trại, DN, hợp tác xã sớm ứng dụng vào sản xuất, khai thác hết tiềm năng của nông nghiệp Bình Dương.
Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết xác định được CĐS là giải pháp hiện đại hóa ngành nông nghiệp, trên cơ sở Quyết định 5275 của Bộ NN&PTNT, trong năm 2022 ngành NN&PTNT tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nội dung về CĐS, như sau: Xây dựng và phát triển nền tảng CĐS với các nhiệm vụ trọng tâm như chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số. CĐS trong cải cách hành chính, rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, phấn đấu 100% thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ thực hiện mức độ 4 trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh.
Cùng với đó, phát triển TMĐT trong tiêu thụ nông sản, phấn đấu toàn bộ sản phẩm OCOP khi được UBND tỉnh công nhận đều đưa lên các sàn TMĐT. Triển khai áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, DN tham gia vào các sàn TMĐT. Mặt khác, xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực của ngành, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời ứng dụng CĐS trong sản xuất, xúc tiến thương mại lĩnh vực nông nghiệp.
CĐS trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, do đó cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai. Có thể nói chỉ khi xây dựng được nền nông nghiệp định vị và minh bạch dữ liệu thông tin thông qua CĐS thì mới vươn xa hơn, tạo nên thương hiệu nền nông nghiệp có trách nhiệm hơn.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC