Chuyển đổi số trong sản xuất: Bắt đầu bằng tư duy của lãnh đạo

Cập nhật: 02-11-2022 | 08:29:51

(BDO) Trên thực tế, chuyển đổi số (CĐS) là một hành trình dài với mục tiêu xây dựng mô hình vận hành, mô hình quản trị hiện đại, cho phép doanh nghiệp (DN) tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Do đó, cần sự thay đổi trong tầm nhìn của lãnh đạo để xác định đúng đắn bức tranh tổng quan và thiết lập được lộ trình triển khai tối ưu.  

 Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tại Bình Dương nỗ lực chuyển đổi số để tăng năng suất và hiệu quả quản lý

 Nắm bắt xu thế mới

Thực tế, thời gian qua, CĐS tại Bình Dương được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực khi hầu hết DN đã nhận thức được tầm quan trọng và triển khai chuyển đổi từng bước. Những thành tựu bước đầu mà các tổ chức, DN đạt được mở ra tiềm năng phát triển kinh tế đột phá hơn trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều DN vừa và nhỏ e ngại và chậm chuyển đổi vì thiếu chiến lược khoa học cùng lộ trình phù hợp. Lãnh đạo DN thường nhầm tưởng việc ứng dụng một số công nghệ vào tối ưu hiệu suất, kết quả làm việc là đã hoàn thành nhiệm vụ CĐS. Vậy câu hỏi lớn nhất mà các DN này cần trả lời là họ nên bắt đầu từ đâu?

Theo ông Mai An, Giám đốc IMT Solutions Việt Nam, khẳng định muốn CĐS trong DN cần bắt đầu từ nguồn lực con người. Cụ thể là tư duy lãnh đạo đóng vai trò then chốt. Việc CĐS bao gồm chuyển đổi năng lực của tổ chức, của con người và của chức năng vận hành quản trị nhân sự. Ông An cho biết một trong những lý do khiến DN thất bại khi ứng dụng công nghệ là thiếu năng lực triển khai, thiếu công nghệ quản trị nhân lực, quan trọng nhất là thiếu hiểu biết về công nghệ. Do đó, điều cần thiết khi CĐS là phải xây dựng được khung năng lực cốt lõi và lãnh đạo.

“CĐS muốn thành công phải đi từ nhận thức và sự hiểu biết của người lãnh đạo. Theo đó người lãnh đạo cần nắm bắt được xu thế mới và nhận định được nó ảnh hưởng ra sao đến DN và môi trường kinh doanh. Từ đó nắm bắt cơ hội, lựa chọn hạng mục đầu tư đúng cách và giảm thiểu rủi ro trong quá trình CĐS. Khi lãnh đạo DN nâng tầm thì chính họ sẽ đưa ra các yêu cầu mới và tiếp tục đầu tư. Theo tiến trình này CĐS sẽ lan tỏa theo mô hình kim tự tháp từ lãnh đạo tới nhân viên, từ đó mới khai thác hiệu quả việc CĐS”, ông An khẳng định.

Ông Cao Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle interiors Asia (TX.Tân Uyên) cũng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo trong CĐS, nếu nghĩ CĐS là công nghệ đi trước, sẽ tạo nên rào cản rất lớn, ngược lại tập trung chuyển đổi tư duy của lãnh đạo mới là điều quan trọng. Trên thực tế đội ngũ ở thế hệ cũ sẽ bắt nhịp chậm hơn so với nhân viên trẻ, những vấn đề tiên tiến cũng không nhanh bằng. Do đó, để đi đúng nhịp cần cải thiện năng lực đội ngũ này với những giải pháp công nghệ đơn giản, nâng cấp theo từng cấp độ.

Thiết lập “tiếng nói chung”

Để quá trình CĐS không bị lỗi nhịp cần có tiếng nói chung giữa công nghệ và con người. Quan trọng nhất là cần phải cho người lao động thấy quyền lợi của họ khi tham gia CĐS. Khi bắt đầu CĐS DN cần phải xác định được mục tiêu và bài toán về hiệu quả khi ứng dụng công nghệ nào đó, điều này rất quan trọng, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ.

“CĐS hiệu quả là khi chúng ta nội soi được DN và đưa ra những chiến lược đúng đắn. Công nghệ hiệu quả là khi định lượng tốt giá trị nhân lực, thấy được bộ phận nào tốt và bộ phận nào yếu kém để đưa ra những giải pháp tốt nhất và mục tiêu cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh doanh. Nếu DN cực đoan thái quá với CĐS, dẫn đến đầu tư dàn trải sai với quy mô công ty, vừa tốn nguồn lực, thời gian mà lại không đạt kết quả tốt”, ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Takako Việt Nam cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Trung, Trưởng ban Phát triển nhân lực và CĐS Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho rằng số hóa và CĐS trong ngành gỗ có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động. Các DN gỗ thời gian qua nỗ lực xây dựng được kế hoạch CĐS, trong đó áp dụng vào lĩnh vực quản lý và sản xuất sẽ tạo ra năng suất tăng gấp đôi, giảm lao động một nửa, tốc độ sản xuất hiệu quả hơn nhờ sử dụng các công nghệ tự động hóa. Theo ông Trung, 3 yếu tố gồm: CĐS, tự động hóa và số hóa sẽ tạo ra bước nhảy vọt cho các DN. Các yếu tố để CĐS thành công gồm: Tư duy và quyết tâm của lãnh đạo, chiến lược rõ ràng, năng lực về con người của tổ chức, chuẩn hóa, số hóa hệ thống quy trình, đầu tư ứng dụng công nghệ…

 Ông Yatindra R.Sharma, Giám đốc Quản lý KHS India, Ấn Độ cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều tiện ích, con người có thể kết nối cùng nhau bất chấp khoảng cách địa lý hay dịch bệnh. Đối với DN, CĐS góp phần nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh để phát triển phù hợp với xu thế, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Các DN tại Bình Dương đang có sự thuận lợi khi chính quyền đóng vai trò đồng hành, cùng dẫn dắt hỗ trợ DN lên tầm cao mới, kiến thiết nguồn nhân lực công nghệ thông qua các chính sách đào tạo, tập huấn

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=462
Quay lên trên